Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tạo ra một loại băng giá rẻ sử dụng điện trường để thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương mãn tính. Trong thử nghiệm trên động vật, vết thương được điều trị bằng băng điện này lành với tốc độ nhanh hơn 30% so với vết thương được xử lý nhờ băng thông thường. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí truy cập mở Science Advances.

Vết thương mãn tính là vết thương hở và lành chậm. Ví dụ, vết loét mãn tính ở một số bệnh nhân tiểu đường. Vết thương này đặc biệt có vấn đề vì thường tái phát sau khi điều trị và làm tăng đáng kể nguy cơ cắt cụt chi và tử vong. Một trong những thách thức là các phương pháp điều trị hiện nay rất tốn kém, tạo thêm áp lực cho người bệnh.

Amay Bandodkar, đồng tác giả nghiên cứu và là phó giáo sư về kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học North Carolina cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là phát triển công nghệ ít tốn kém hơn, giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương mãn tính cho người bệnh. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng công nghệ này dễ sử dụng ngay tại nhà, thay vì tại các cơ sở y tế”.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra loại băng không linh kiện điện tử (WPED) hoạt động bằng nước, là loại băng vết thương dùng một lần có các điện cực ở một mặt và một cục pin nhỏ, tương thích sinh học ở mặt còn lại.

Băng được dán lên bệnh nhân để các điện cực tiếp xúc với vết thương. Sau đó, nhỏ một giọt nước vào để kích hoạt pin. Khi được kích hoạt, băng sẽ sinh ra điện trường trong vài giờ. Theo Rajaram Kaveti, đồng tác giả nghiên cứu, điện trường đó rất quan trọng, vì đã được chứng minh giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương mãn tính.

Các điện cực được thiết kế theo cách cho phép chúng uốn cong theo băng và phù hợp với bề mặt của vết thương mãn tính, thường sâu và có hình dạng không đều. Kết quả thử nghiệm băng WPED trên chuột mắc bệnh tiểu đường cho thấy tốc độ lành của vết thương nhanh hơn 30% so với dùng băng thông thường. 

Điều quan trọng không kém là băng điện được sản xuất với chi phí tương đối thấp, chỉ vài đô la. Ngoài ra, băng WPED có thể được sử dụng nhanh chóng và dễ dàng. Sau khi dán băng, bệnh nhân vẫn di chuyển và tham gia vào các hoạt động hàng ngày. Như vậy, việc điều trị có thể tiến hành ngay lại nhà và khả năng tuân thủ điều trị tốt hơn. Bởi lẽ, bệnh nhân ít bị quên các buổi trị liệu, vì họ không cần phải đến phòng khám hoặc phải nằm bất động trong nhiều giờ.

PGS. Bandodkar cho rằng: "Các bước tiếp theo liên quan đến nghiên cứu bổ sung để điều chỉnh giảm thay đổi điện trường và kéo dài thời gian của điện trường. Chúng tôi cũng đang triển khai thử nghiệm bổ sung để tiến gần hơn đến các thử nghiệm lâm sàng và cuối cùng là ứng dụng thực tế giúp ích cho con người".

Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia