Trong tương lai có thể không cần băng dính cá nhân để băng vết thương, mà thay vào đó là một lớp phủ điện tử linh hoạt mới, có giá cả phải chăng, không chỉ tăng tốc chưa lành, theo dõi không dây quá trình chữa lành mà còn hấp thụ vô hại vào cơ thể khi tác dụng của nó là hoàn thành.
“Mặc dù nó là một thiết bị điện tử, nhưng các thành phần hoạt tính tiếp xúc với vết thương hoàn toàn có thể tái hấp thu. Như vậy, các vật liệu biến mất một cách tự nhiên sau khi quá trình chữa lành hoàn tất, do đó tránh được bất kỳ tổn thương nào đối với mô có thể gây ra bởi quá trình bóc băng vết thương vật lý”, John A. Rogers, Đại học Northwestern, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.
Băng vết thương điện tử là một công nghệ mới nổi nhưng không có nghĩa là mới, với những phát triển trước đó như miếng dán diệt vi khuẩn, lớp bọc chuyển động và thậm chí cả các băng dán thông minh. Tuy nhiên băng vết thương mới này là loại băng đầu tiên có thể phân hủy sinh học, cung cấp liệu pháp điện trị liệu cho vết thương, tăng tốc độ chữa lành lên tới 30% và có thể cung cấp dữ liệu về tình trạng vị trí bị thương để cho phép theo dõi từ xa. Các nhà khoa học Đại học Northwestern tin rằng nó có thể mang lại tác động lớn cho bệnh nhân tiểu đường và những người phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng do vết loét thường xuyên và chậm lành.
Guillermo A. Ameer, Đại học Northwestern, đồng trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Khi một người bị thương, mục tiêu là làm liền vết thương đó càng nhanh càng tốt. Nếu không, vết thương hở rất dễ bị nhiễm trùng. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, nhiễm trùng thậm chí còn khó điều trị và gây nguy hiểm hơn cho họ. Đối với những bệnh nhân này, nhu cầu về các giải pháp tiết kiệm chi phí thực sự hiệu quả với họ chưa được đáp ứng. Loại băng mới của chúng tôi giúp tiết kiệm chi phí, dễ sử dụng, dễ thích ứng, thoải mái và hiệu quả trong việc làm lành vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng và các biến chứng khác”.
Băng vết thương mới này có thiết kế không dây, không dùng pin. Nó sẽ quấn nhẹ quanh vết thương, với một điện cực hình bông hoa nằm trên vị trí vết thương và một điện cực hình tròn bao quanh nó trên mô khỏe mạnh. Ở đầu kia của băng, một cuộn thu năng lượng cung cấp năng lượng cho các điện cực và hệ thống liên lạc trường gần không dây để truyền dữ liệu từ thiết bị theo thời gian thực.
Trong nghiên cứu trên chuột, các nhà nghiên cứu đã áp dụng liệu pháp điện trị liệu này trong 30 phút mỗi ngày và kết quả cho thấy vết thương đóng lại nhanh hơn tới 30%. Trong thời gian này, vết thương có thể được theo dõi không dây, đo điện trở của dòng điện. Hơn nữa, nó có thể thông báo cho bác sĩ của bệnh nhân biết về tình trạng vết thương không lành lại và cần can thiệp.
Ameer nói: “Khi vết thương trong giai đoạn chữa lành, nó sẽ tạo ra một môi trường ẩm ướt. Sau đó, khi nó lành lại, nó sẽ khô đi. Độ ẩm này làm thay đổi dòng điện, vì vậy chúng tôi có thể phát hiện ra tình trạng của vết thương bằng cách theo dõi điện trở trong vết thương. Sau đó, chúng tôi có thể thu thập thông tin đó và truyền không dây. Với việc quản lý chăm sóc vết thương, lý tưởng nhất là chúng tôi muốn vết thương liền lại trong vòng một tháng. Nếu mất nhiều thời gian hơn, điều đó có thể gây lo ngại”.
Nhóm nghiên cứu cũng muốn phát triển một loại băng không cần tháo ra và họ phát hiện ra rằng khi molypden kim loại chuyển tiếp đủ mỏng, nó có thể phân hủy sinh học. Molypden, phổ biến trong chất bán dẫn và thiết bị điện tử, cũng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Khi vết thương đã đủ lành, điện cực hình bông hoa đặt trên vị trí vết thương sẽ tan ra và được hấp thụ, không gây đau đớn cho da.
Ameer cho biết: “Chúng tôi là những người đầu tiên chứng minh rằng molypden có thể được sử dụng như một điện cực phân hủy sinh học để chữa lành vết thương. Sau khoảng sáu tháng, hầu hết nó đã biến mất, tích tụ rất ít trong các cơ quan, không gây ra những khác thường gì. Lượng kim loại mà chúng tôi sử dụng để tạo ra các điện cực này rất ít nên chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào”.
Các nhà nghiên cứu hiện có kế hoạch thử nghiệm liệu pháp này trên các vết loét do tiểu đường ở động vật lớn hơn, trước khi chuyển sang nghiên cứu trên người.