Ngày 23/7/2022, trong cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban Khẩn cấp Quy định Y tế Quốc tế của WHO, ôngTedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan khắp thế giới với tốc độ chưa từng có trong 2 tháng qua, hiện đã ghi nhận hơn 17.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở 74 quốc gia và đã có 5 trường hợp tử vong.

 

Virus đậu mùa khỉ là một loại virus DNA sợi đôi có vỏ bọc thuộc giống Orthopoxvirus của họ Poxviridae. Bệnh đậu mùa ở khỉ chủ yếu xảy ra ở Trung và Tây Phi, thường gần các khu rừng mưa nhiệt đới, và ngày càng xuất hiện nhiều ở các khu vực đô thị. Vật chủ động vật bao gồm một loạt các loài gặm nhấm và động vật linh trưởng không phải con người.

Virus đậu mùa khỉ lây lan khi một người tiếp xúc với virus từ động vật (như bị cắn, hoặc trong quá trình sơ chế thịt động vật), người (như chất thải, dịch tiết cơ thể, giọt bắn, qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi và quan hệ tình dục đồng giới…) hoặc vật liệu bị nhiễm virus (như quần áo, chăn đệm…). Virus sẽ xâm nhập vào cơ thể qua những vùng da bị tổn thương, hay các vết xước, qua đường hô hấp hoặc qua niêm mạc mắt, mũi hoặc niêm mạc miệng.

Biểu hiện của triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Điều khiến bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm là bởi nó có triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, khiến phần da toàn thân bị tổn thương, đồng thời xuất hiện hạch to kéo dài từ 2 - 3 tuần. Đặc biệt bệnh thường có diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người có hệ miễn dịch kém.

Thêm vào đó hiện giờ vẫn chưa xác định được tình trạng người nhiễm bệnh khi không có triệu chứng, trong khi đó thời gian ủ bệnh lại kéo dài, từ 5 - 21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết.

Đối phó với bệnh đậu mùa khỉ là một thách thức lớn cho Việt Nam khi nguy cơ dịch chồng dịch là rất cao, bởi hiện nay chúng ta phải vừa xử lý đồng thời cả dịch Covid, dịch sốt xuất huyết, cúm mùa và giờ là bệnh đậu mùa khỉ.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ, thuốc kháng virus và vaccine đặc trị đang được nghiên cứu, chưa sản xuất đại trà. Ngay ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, vaccine và thuốc điều trị cũng khan hiếm; năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ bất thường hiện nay, nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không điển hình, khiến việc nhận biết triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán khá khó khăn.

Để ngăn ngừa nhiễm virus đậu mùa khỉ mọi người không nên buôn bán động vật hoang dã, tránh tiếp xúc với động vật (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết), các vật liệu (như khăn, chăn, đệm, quần áo…) có thể chứa virus ở những khu vực có xảy ra bệnh dịch; ăn chín uống sôi; cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với người khỏe mạnh để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh dịch; thường vệ sinh, sát khuẩn tay chân và môi trường xung quanh…