Theo một báo cáo được công bố vào ngày 7/2/2023 tại Barbados của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) có tên “Chuẩn bị cho siêu vi khuẩn”, các nhà nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến cho các loại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh trở nên ngày một nguy hiểm hơn.

 

Báo cáo này đã chỉ ra các loại siêu vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn khi khí hậu thay đổi. Trong quá trình Trái đất ấm lên và các chất gây ô nhiễm ngày một nhiều, con người càng ngày càng lạm dụng các loại thuốc chống virus và viêm nhiễm. Dẫn đến các gen kháng kháng sinh lan rộng. Thêm vào đó, việc không khí, nước và đất tiếp xúc với các vi sinh vật kháng thuốc cũng khiến các loại vi khuẩn tự nhiên trong môi trường bị kháng thuốc.

Báo cáo cũng cho biết, các loại ô nhiễm liên quan đến nước thải, đặc biệt là từ bệnh viện, từ sản xuất dược phẩm và nông nghiệp đổ ra môi trường đã góp phần tạo nên các loài kháng thuốc trong tự nhiên. Hiện tại, nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng hơn khi ô nhiễm gia tăng, còn nguồn lực để quản lý chất gây ô nhiễm lại giảm đi.

Kháng kháng sinh vốn dĩ là một tình trạng tự nhiên, khi các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus và nấm phát triển khả năng đánh bại các loại thuốc được thiết kế để tiêu diệt chúng theo thời gian. Nhưng vấn đề là, các nhà nghiên cứu nhận thấy tốc độ của quá trình này đang bị đẩy lên quá nhanh.

Trong “Bộ ba cuộc khủng hoảng hành tinh” gồm: Biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường, thì biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là hai nguyên nhân chủ yếu làm trầm trọng thêm tình trạng kháng kháng sinh theo nhiều cách, bao gồm nhiệt độ tăng đẩy nhanh tốc độ phát triển của vi khuẩn, cũng như sự lan truyền các gen kháng kháng sinh giữa các vi sinh vật.

Kháng kháng sinh là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đe dọa đến an ninh lương thực và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Biến đổi khí hậu lẫn tình trạng kháng kháng sinh sẽ trở nên tồi tệ hơn hay sẽ được cải thiện, tất cả đều phụ thuộc vào hành động của con người. Bước quan trọng là phải hạn chế lạm dụng thuốc thông qua việc thừa nhận mối liên hệ chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau giữa sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường.

Ðiều này đòi hỏi phản ứng đa ngành dựa trên các sáng kiến từ cấp chính phủ đến từng bộ, ngành liên quan; tập trung giải quyết các nguồn ô nhiễm chính từ việc sử dụng thuốc chống vi trùng trong các trang trại, xả nước thải từ các công ty dược phẩm và tăng cường các biện pháp vệ sinh an toàn hơn trong cộng đồng. Ngoài ra, cần có tiêu chuẩn quốc tế về quản lý nước tổng hợp, giám sát sự phát triển của các siêu khuẩn mới, tìm kiếm mô hình đầu tư và tài trợ bền vững để cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu.