Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, thay đổi hành vi, thói quen, tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có khái niệm “demo online” vốn quen thuộc với các tập đoàn nước ngoài, giờ đã bắt đầu “hẹn nhau” trên Zoom hay Hangout (Google) để demo giải pháp của mình...

Giới công nghệ cho rằng, đây là thời điểm công nghệ phát huy thế mạnh để có thể giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng tốt nhất. Vì vậy, các doanh nghiệp nên tận dụng để nhanh chóng chuyển đổi số, như là một giải pháp duy nhất để vượt qua khủng hoảng cả trong và sau dịch Covid-19.

Câu chuyện của Bizzi - startup cung cấp các giải pháp xử lý tự động hóa đơn điện tử, cũng tương tự như vậy.

Bắt xu hướng để chuyển đổi số cho kế toán

Cách đây chỉ vài năm, câu chuyện tự động hóa các quy trình tài chính vẫn còn xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cuối năm 2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hoá đơn điện tử. Theo đó, thông tư yêu cầu thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử là từ ngày 01/11/2020. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy mạnh nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội. Theo anh Vũ Trọng Nghĩa, sáng lập và CEO của Bizzi, việc các doanh nghiệp được khuyến khích chuyển đổi sang dùng hóa đơn điện tử cùng với sự xuất hiện của dịch bệnh đã thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - kế toán.

Triển khai từ tháng 11/2019, chỉ sau vài tháng, Bizzi đã có hơn 200 khách hàng, trong đó đa phần là các tập đoàn đa quốc gia như DKSH, Abbott, Tín Nghĩa, chuỗi GS25, Medicare, Pharmacity, Guardian...

“Các tập đoàn đa quốc gia đã quen sử dụng công nghệ và nhìn thấy được giá trị của việc ứng dụng công nghệ trong vận hành khâu kế toán-tài chính. Trong khi tại Việt Nam, Bizzi hiện là đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ này”, CEO của Bizzi lý giải.

Doanh nghiệp hưởng lợi, kế toán giảm tải

Theo Bizzi, các công việc “không tạo ra giá trị” và “mất thời gian” của kế toán sẽ được triển khai tự động. Hàng triệu con bot sẽ giúp kế toán tải hóa đơn, kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hóa đơn..., và sẽ báo hiệu xanh nếu hóa đơn được duyệt và báo đỏ nếu hóa đơn nằm trong diện “rủi ro”, tự động đối chiếu 3 chiều giữa các hóa đơn khi mua hàng, đơn đặt hàng, phiếu giao hàng v.v...

“Khi hóa đơn được gửi tới thì con bot sẽ giúp kế toán xử lý hóa đơn này, chỉ trong vòng 10 giây”, anh Vũ Trọng Nghĩa cho biết thêm.

Thống kê của Bizzi cho thấy trung bình một doanh nghiệp sẽ tốn từ 5.000 đồng đến 8.000 đồng/hóa đơn nếu làm thủ công. Nếu doanh nghiệp dùng giải pháp chuyển đổi số cho kế toán của Bizzi thì chi phí này chỉ còn 1.000 đồng/hóa đơn, Bizzi cam kết giảm ít nhất 50% chi phí cho doanh nghiệp.

“Hàng triệu con bot có thể xử lý hàng triệu hóa đơn trong vòng 10 giây, tương tự như có triệu kế toán ngồi làm việc. Ngoài ra, bot có thể làm 24/7, không kể lễ, Tết... Vì vậy, lợi ích của công nghệ tự động hóa là rất rõ ràng cho doanh nghiệp”, anh Nghĩa lý giải.

Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều nhất, "còn kế toán sẽ giảm bớt các công việc mang tính thủ công, lặp đi lặp lại, để dành thời gian cho những việc có giá trị hơn, đúng nghiệp vụ chuyên môn của họ như quản lý tài chính, quản lý chi phí, hỗ trợ kế hoạch kinh doanh.”

Hướng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ

Mặc dù khách hàng của Bizzzi hiện chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia, nhưng đối tượng mà Bizzi muốn hướng đến là các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ, bởi những doanh nghiệp này gặp rất nhiều vấn đề trong việc quản lý hóa đơn.

Theo Bizzi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có thói quen ứng dụng công nghệ, hoặc cho rằng quy mô của mình chưa đủ lớn. Vì vậy, họ thường outsource cho kế toán bên ngoài, hoặc chỉ thuê một vài nhân viên kế toán. Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi kế toán nghỉ việc, hóa đơn lưu trữ trong hộp mail, drive bị xóa. Ngoài ra, khi doanh nghiệp hoạt động 3-5 năm thì lượng hóa đơn sẽ dồn lại khiến chủ doanh nghiệp vô cùng vất vả trong thời điểm quyết toán thuế.

“Nếu như doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản lý hóa đơn ngay từ đầu thì sẽ thấy nhiều lợi ích”, anh Nghĩa cho biết. Chi phí để một doanh nghiệp nhỏ ứng dụng công nghệ Bizzi cho kế toán chỉ 149.000 VNĐ/tháng.

Bizzi sẽ cung cấp một địa chỉ email để nhận tất cả các hóa đơn của doanh nghiệp đó. Một khi hóa đơn được gửi vào, các con bot sẽ tự động kiểm tra, đối chiếu toàn bộ thông tin hóa đơn... Cuối tháng, kế toán chỉ cần xuất dữ liệu đó ra và nhập (imort) vào phần mềm kế toán như MISA, FAST. Đối với các doanh nghiệp lớn đang dùng ERP (SAP, Oracle) thì hệ thống của Bizzi sẽ đẩy dữ liệu vào trực tiếp mà không cần khâu nhập liệu.

“Công đoạn xử lý hóa đơn đầu vào như vậy sẽ giảm 80% khối lượng công việc của kế toán, từ đó tăng năng suất, giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp”, CEO của Bizzo cho biết.

Ngày 7/8/2020 vừa qua, Bizzi đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Kinh doanh VNPT TP.HCM để cung cấp đến khách hàng phần mềm xử lý tự động hóa đơn điện tử toàn trình từ đầu vào đến đầu ra. VNPT là một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ Hóa đơn điện tử trên thị trường.

Xu hướng số hóa “The Future of Work” đang được các tập đoàn kiểm toán lớn như Big4, Deloitte, KPMG... ủng hộ và được xem là môi trường làm việc tương lai.

Bizzi - Tự động hóa kế toán

Bizzi được thành lập bởi hai đồng sáng lập là anh Vũ Trọng Nghĩa và anh Nguyễn Bảo Nguyên. Anh Vũ Trọng Nghĩa từng có thời gian làm việc cho các tập đoàn lớn như Unilever, DKSH, Quỹ đầu tư và từng nhận học bổng MBA của Fulbright tại Hoa Kỳ (năm 2014-2016). Trong thời gian du học, anh Nghĩa có dịp tiếp cận nhiều start-up công nghệ ở nước ngoài, thấy được xu hướng công nghệ dành cho B2B phát triển mạnh mẽ nên đã nung nấu ý tưởng này khi trở về Việt Nam (năm 2016).

Sau một thời gian đầu tư vào các công ty công nghệ, anh Nghĩa bắt tay cùng với co-founder của mình là anh Nguyễn Bảo Nguyên. Anh Nguyên là một chuyên gia công nghệ có nhiều năm làm việc tại tập đoàn Rocket Intenet ở Singapore và Đức, và cũng là CTO của một số công ty khởi nghiệp.

Tháng 5/2020 (tức chỉ khoảng 6 tháng kể từ khi thành lập), Bizzi đã gọi vốn thành công từ Quỹ 500 Startups Vietnam. Anh Nghĩa cho biết phần lớn nguồn vốn này sẽ được tập trung cho nhân sự phát triển sản phẩm.

Nguồn: khampha.vn