Sử dụng opioid trong khi mang thai có thể dẫn đến kết quả bất lợi lâu dài cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chiến lược y tế công có mục tiêu đã được áp dụng để giảm việc sử dụng opioid ở những người trong độ tuổi sinh sản, nhưng vẫn còn thiếu nghiên cứu mô tả đầy đủ về những cá nhân ở Hoa Kỳ thực sự sử dụng opioid trong thời kỳ mang thai. Đây là nghiên cứu đầu tiên, đa dạng về mặt địa lý về những người mang thai để mô tả dịch tễ học của việc sử dụng opioid, bao gồm các đặc điểm nhân khẩu học và y tế.

 

Thuốc giảm đau nhóm opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp, có những tính chất như morphine tác động lên các thụ thể opioid. Opioid bao gồm các loại thuốc phiện, và những loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, bao gồm cả morphin.

Nghiên cứu do Phó Giáo sư Ruby Nguyễn thuộc Trường Y tế Công cộng (SPH) thuộc Đại học Minnesota đứng đầu đã phân tích dữ liệu Chương trình Ảnh hưởng của Môi trường đối với Kết quả Sức khỏe Trẻ em (ECHO) từ 21.905 phụ nữ mang thai.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Phụ nữ cho thấy: 2,8% trường hợp mang thai đã tiếp xúc với opioid; Sử dụng opioid trong thai kỳ phổ biến hơn ở những người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha và ở những người có tiền sử trầm cảm và sử dụng nhiều chất kích thích; Phần lớn việc sử dụng opioid trong thai kỳ có nguồn gốc từ thuốc kê đơn.

Giáo sư Ruby Nguyễn cho biết: “Các nghiên cứu trước đây không mô tả đầy đủ những người ở Hoa Kỳ sử dụng opioid trong khi mang thai, nên làm hạn chế hiệu quả của các can thiệp y tế công. Ở nghiên cứu mới này, tình nguyện viên là những người mang thai lần đầu, họ mô tả việc sử dụng opioid, phát hiện của nghiên cứu này có thể hữu ích trong những nỗ lực ở tương lai nhằm sử dụng opioid trong thai kỳ và làm giảm tiêu cực của việc thai nhi tiếp xúc với opioid”.

ECHO là một chương trình quốc gia gồm các nghiên cứu đoàn hệ nhi khoa trên khắp Hoa Kỳ để điều tra tác động của việc phơi nhiễm trong giai đoạn đầu đời đối với một số lĩnh vực chính của sức khỏe trẻ em. Giáo sư Ruby Nguyễn giải thích: “Số lượng lớn các trường hợp mang thai ở chương trình ECHO này cho phép chúng tôi điều tra việc sử dụng opioid, điều này rất khó thực hiện trong các nghiên cứu nhỏ hơn vì đây là trường hợp phơi nhiễm khá hiếm trong dân số nói chung”. Và điều quan trọng là phải đánh giá các lợi ích tiềm năng của việc sàng lọc một số đặc điểm có thể xảy ra cùng với hành vi gây nghiện, chẳng hạn như trầm cảm và sử dụng nhiều chất, để xác định những người có nguy cơ phơi nhiễm opioid trước khi sinh.

Giáo sư Ruby Nguyễn cho biết: “Mặc dù dữ liệu của chúng tôi còn hạn chế về các chi tiết cụ thể của loại opioid được sử dụng, nhưng đã cung cấp bằng chứng cho thấy phần lớn việc sử dụng opioid trong thời kỳ mang thai bắt nguồn từ đơn thuốc. Vì vậy, để giải quyết các rủi ro tiềm ẩn khi mang thai, cần những chính sách nhằm giảm lượng opioid nói chung, cũng như chương trình tập trung vào việc giải quyết việc sử dụng thuốc kê theo đơn để kiểm soát cả chứng đau và rối loạn sử dụng opioid, nên được khám phá thêm để nhắm mục tiêu sử dụng opioid phù hợp”.