Lý do khiến bệnh nhân ung thư tìm đến thực phẩm chức năng

Bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao sụt cân, suy dinh dưỡng và không ăn uống đủ chất, tình trạng này được xem như tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Do tình trạng dinh dưỡng ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh, khả năng theo đuổi điều trị và chất lượng cuộc sống của những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, nên sự can thiệp dinh dưỡng luôn được các chuyên gia y tế coi trọng. Nếu việc bổ sung chế độ ăn không giải quyết được tình trạng trên, các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung có thể được khuyến cáo.

Những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy một số hợp chất trong thực phẩm chức năng có thể giúp hạn chế các tác dụng phụ của tiến trình điều trị ung thư, giúp làm giảm khó chịu gây ra bởi các loại thuốc hóa trị liệu nhất định và bức xạ.

 

Những thực phẩm có lợi cho bệnh nhân ung thư

Viện phân tích thực nghiệm dinh dưỡng và chế độ ăn (The Academy of Nutrition and Dietetics’ Evidence Analysis Library) đã nhận thấy việc sử dụng thực phẩm chức năng có chứa dầu cá giúp tăng hoặc ổn định cân ở những bệnh nhân ung thư lớn tuổi – đối tượng thường bị sụt cân vì điều trị, mặc dù cần nghiên cứu thêm để xác định liều tối ưu.

Các axit béo omega-3, EPA (axit eicosapentaenoic), và DHA (axit docosahexaenoic), cung cấp hiệu ứng chống viêm có thể giúp hạn chế những tác động gây độc thần kinh của một số loại thuốc hóa trị. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng thực phẩm chức năng bổ sung axit béo omega-3 bởi vì các tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm cả sự gia tăng chảy máu và tương tác thuốc.

 

Các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất cung cấp đầy đủ giá trị dinh dưỡng hàng ngày có thể được xem là an toàn cho người khỏe mạnh. Nhưng với bệnh nhân đang điều trị ung thư, việc sử dụng các sản phẩm này nên được đánh giá bởi bác sĩ hoặc xin ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng để xác định mức độ cần thiết, dựa trên các triệu chứng bệnh và lượng calo từ bữa ăn hàng ngày. Một số khoáng chất đã được chứng minh là làm giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư như strontium sử dụng để làm giảm đau xương trong ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.

Một số nghiên cứu về thực phẩm chức năng bổ sung chất chống oxy hóa đã cho thấy những lợi ích, bao gồm giảm tác dụng phụ trong quá trình điều trị, nhưng nhiều bác sĩ lo sợ các thực phẩm chức năng dạng này cũng có thể làm giảm hiệu quả của liệu pháp điều trị ung thư. Kết quả nghiên cứu vẫn chưa rõ ràng do sự thay đổi trong liều dùng, hàm lượng thực phẩm chức năng và loại hình điều trị. Lấy ví dụ Curcumin (có trong củ nghệ) đã được chứng minh ức chế các enzym kích thích phản ứng viêm; nghiên cứu sơ bộ đề nghị việc bổ sung chế độ ăn uống có chứa chiết xuất từ nghệ giúp ổn định sự tiến triển bệnh ở một số bệnh nhân điều trị ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, chất curcumin có thể gây loãng máu, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng.

Glutamine, một axit amin thiết yếu, là một thành phần khác thường được sử dụng trong thực phẩm chức năng có thể giúp làm giảm bớt tác dụng phụ điều trị ung thư, chẳng hạn như nhiệt miệng và tiêu chảy. Nghiên cứu cho thấy nó an toàn ở liều lên đến 40 gram mỗi ngày và được sử dụng để làm giảm tỷ lệ, mức độ nghiêm trọng và thời gian đau miệng trong một số bệnh nhân trải qua hóa trị liệu hoặc cấy ghép tủy xương.

 

Sử dụng khoa học và lắng nghe lời khuyên từ bác sĩ

Nhiều thực phẩm chức năng bổ dung chưa được nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư, nghiên cứu đầy đủ các sản phẩm này để bổ sung về tính an toàn và hiệu quả là rất cần thiết. Các nghiên cứu sẽ tiếp tục được tiến hành trên các thực phẩm chức năng bổ sung chế độ ăn uống, giúp tối đa hóa hiệu quả điều trị và giảm độc tính của thuốc hóa trị.

 

Bệnh nhân điều trị ung thư thường uống cùng lúc rất nhiều loại thuốc, việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc tiềm ẩn. Để an toàn, điều quan trọng là bạn hãy cung cấp đầy đủ thông tin về các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng cho bác sĩ và không sử dụng một thực phẩm chức năng mới mà không được sự đồng ý từ bác sĩ. Ngoài ra, phải sử dụng thận trọng và tránh các thực phẩm chức năng được quảng cáo với các hiệu quả thần kỳ, đột phá hoặc phát minh mới, những thực phẩm chức năng không rõ cơ chế cũng như những sản phẩm khẳng định hiệu quả tốt mà hoàn toàn không có tác dụng phụ. Hiệp hội Ung thư Mỹ (The American Cancer Society) cũng khuyên: “Hãy đặt dấu hỏi nếu một thực phẩm chức năng tuyên bố hiệu quả điều trị mạnh mẽ như các thuốc kê đơn.”