Theo một nghiên cứu mới của Anh, chất khử trùng bằng clo không tiêu diệt được siêu khuẩn trên các bộ đồng phục bệnh viện.

Clostridioides difficile hay C. diff là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy trên toàn cầu liên quan đến kháng sinh và chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi tại các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.

Tina Joshi, phó giáo sư về vi sinh học phân tử tại Đại học Plymouth ở Anh, cho rằng: “Với tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, mối đe dọa do siêu vi khuẩn gây ra đối với sức khỏe con người cũng lớn dần. Tuy nhiên, ngoài chứng minh môi trường lâm sàng tại bệnh viện cần sạch sẽ và an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân, nghiên cứu nhấn mạnh khả năng bào tử C. diff chống lại chất khử trùng và khuyến nghị về nồng độ clo hoạt tính nên sử dụng”.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Plymouth đã thử nghiệm ba loại thuốc khử trùng natri hypochlorite (thuốc tẩy dạng lỏng) nồng độ cao đang được sử dụng cho ba chủng C. diff khác nhau. Kết quả là thuốc tẩy không hiệu quả hơn nước trong việc làm hỏng bào tử C. diff. Ngoài ra, cũng không có sự khác biệt đáng kể giữa nước và thuốc tẩy trên các loại vải dùng để may đồng phục bệnh viện khi các nhà khoa học kiểm tra bằng kính hiển vi điện tử.

Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng siêu vi khuẩn vẫn bám trên áo choàng bệnh viện ngay cả sau khi sử dụng lượng chất khử trùng theo khuyến nghị. Vì thế, các tác giả cho rằng cần xem xét lại các hướng dẫn khử trùng hiện hành để giảm tỷ lệ nhiễm C. diff.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), ước tính khoảng 7.800 trường hợp nhiễm C. diff. tử vong liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe hàng năm ở EU/EEA. Do đó, hiểu được khả năng vi khuẩn chống lại chất khử trùng rất quan trọng để kiểm soát vi khuẩn kháng kháng sinh đang gia tăng trên toàn cầu. Kháng kháng sinh hay AMR diễn ra khi vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng thích nghi để chống lại các loại thuốc kháng khuẩn nhằm tiêu diệt chúng.

ECDC cho rằng: “Tình trạng kháng thuốc là kết quả của việc lạm dụng kháng sinh không phù hợp ở người, động vật và trong nông nghiệp, cũng như các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát không chặt chẽ trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe”.

EU đã đặt ra một số mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề kháng kháng sinh vào năm 2030, trong đó có mục tiêu giảm 20% tổng mức tiêu thụ kháng sinh.

Nguồn từ trang web.vista.gov.vn của cục thông tin KH&CN quốc gia