Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Ôxtrâylia, những người có lịch trình ngủ và thức dậy không đều đặn, có nguy cơ cao mắc chứng mất trí nhớ.

 

Phát hiện nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Neurology, nêu rõ thói quen ngủ và thức dậy đều đặn của một người, tức là đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, là yếu tố quan trọng tác động đến nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ của người đó.

Matthew Paul Pase tại trường Đại học Monash ở Ôxtrâylia và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Các khuyến nghị về sức khỏe giấc ngủ thường nhấn mạnh vào việc ngủ đủ, tức là ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm, nhưng ít chú trọng đến việc duy trì lịch trình ngủ đều đặn”.

Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã thiết lập mối liên hệ giữa giấc ngủ không đều với tình trạng trao đổi chất và sức khỏe tim mạch, nhưng chưa xác định rõ mối liên hệ với chứng mất trí nhớ.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã đánh giá dữ liệu sức khỏe của hơn 88.000 người ở Anh trong độ tuổi trung bình là 62 và theo dõi trong thời gian trung bình là 7 năm. Nhóm nghiên cứu đã tính toán tính đều đặn hàng ngày trong lịch trình ngủ và thức dậy của những người tham gia dựa vào dữ liệu được cung cấp bởi thiết bị đo chu kỳ giấc ngủ mà những người tham gia đeo trên người trong khoảng một tuần. Sau 7 năm theo dõi, đã có khoảng 480 người trong nghiên cứu mắc chứng mất trí nhớ. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người có giấc ngủ không đều đặn nhất có nguy cơ cao mắc chứng mất trí nhớ.

Các tác giả cho rằng không thể loại trừ khả năng một yếu tố khác có thể tác động đến mối liên hệ giữa giấc ngủ đều đặn và chứng mất trí nhớ. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng không chứng minh giấc ngủ không đều gây ra chứng mất trí nhớ mà chỉ chỉ ra mối liên hệ.

Nguồn từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia