Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học tại Trường Y thuộc Đại học Nagoya, Nhật Bản dẫn đầu, đã phát hiện ra rằng protein hệ số 4 bắt nguồn từ tế bào cơ chất (SDF-4) là chỉ dấu ung thư đáng tin cậy. Protein SDF-4 có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu đơn giản. Vì thế, chỉ dấu này có tiềm năng phát hiện sớm ung thư dạ dày.
Các bệnh ung thư đường tiêu hóa như ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan và tuyến tụy, thường được phát hiện quá muộn nên khó điều trị hiệu quả. Do đó, việc xác định được chỉ dấu khối u - chất sinh học cho thấy sự tồn tại của khối u là rất cẩn thiết. Các bác sĩ có thể sử dụng chỉ dấu đó để tìm kiếm, chẩn đoán và theo dõi bệnh ung thư phục vụ công tác điều trị. Đối với ung thư dạ dày, điều trị ở giai đoạn sớm sẽ cho kết quả khả quan và tăng tỷ lệ sống sót.
TS. akahiro Shinozuka, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Hiện nay, xét nghiệm máu phát hiện các bệnh ung thư như ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư vú, đã sử dụng các chỉ dấu khối u như CEA và CA19-9. Tuy nhiên, các chỉ dấu này không phải phải lúc nào cũng giúp phát hiện chính xác tất cả các bệnh ung thư. Các chỉ dấu khác đã được đề xuất nhưng có những hạn chế nhất định như thủ tục đo lường phức tạp, tốn kém hoặc các phương pháp xét nghiệm xâm lấn nên khó sử dụng”.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra các chỉ dấu khối u mới để phát hiện các loại ung thư khác nhau ở giai đoạn đầu. Kết quả đã xác định được SDF-4, protein triển vọng do tế bào ung thư tiết ra. Khi đo nồng độ SDF-4 trong các mẫu máu của bệnh nhân ung thư và người khỏe mạnh, các nhà khoa học phát hiện thấy nồng độ SDF-4 tăng cao trong các mẫu máu của bệnh nhân ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng, tuyến tụy, vú và gan.
Trong chẩn đoán ung thư, độ nhạy và độ đặc hiệu rất quan trọng. Độ nhạy cho thấy hiệu quả của xét nghiệm phát hiện bệnh ở người bị bệnh, trong khi độ đặc hiệu thể hiện hiệu quả xét nghiệm phát hiện bệnh ở người khỏe mạnh. Khi kiểm tra protein, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng protein có độ nhạy 89% và độ đặc hiệu 99%. Tỷ lệ này vượt quá độ nhạy của các chỉ dấu khối u thông thường (13% đối với CEA và 17% đối với CA19-9) trong việc xác định bệnh nhân ung thư. Protein này được phát hiện với hàm lượng cao, ngay cả ở những bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn I, cho thấy nó có thể phát hiện ung thư sớm trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Shinozuka cho biết: "SDF4, chỉ dấu chẩn đoán, vượt trội hơn các chỉ dấu khối u thông thường ở hai điểm. Thứ nhất, SDF4 có thể chẩn đoán bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu và thứ hai, SDF4 đóng vai trò như chỉ dấu chẩn đoán nhiều loại bệnh ung thư. Chúng tôi đang mở rộng hợp tác để chế tạo các thiết bị đo lường sàng lọc ung thư. Nếu nỗ lực thành công, chúng tôi hy vọng sẽ đưa SDF4 vào sàng lọc ung thư trên thực tế, giúp phát hiện sớm ung thư".
Nguồn từ trang web:vista.gov.vn.của thông tin KH&CN quốc gia