Hàng triệu người trên thế giới đã tiêm hai mũi vắc xin Sinovac của Trung Quốc để giảm tỷ lệ lây truyền COVID-19. Vắc xin Sinovac hiện được sử dụng tại 48 quốc gia. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại trường Đại học Yale, Hoa Kỳ và nước Cộng hòa Dominica, chỉ tiêm vắc xin Sinovac không giúp chống lại biến thể Omicron đang phát tán rộng. Báo cáo nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Medicine.
Kết quả phân tích huyết thanh từ 101 người dân tại nước Cộng hòa Dominica cho thấy người tiêm hai mũi vắc xin Sinovac khi bị nhiễm biến thể Omicron, không sản sinh kháng thể trung hòa. Lượng kháng thể chống lại biến thể Omicron tăng lên ở những người đã tiêm mũi tăng cường loại vắc xin mRNA do hãng Pfizer-BioNTech sản xuất.
Tuy nhiên, khi so sánh các mẫu huyết thanh này với các mẫu được lưu trữ tại trường Y thuộc Đại học Yale, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngay cả những người đã tiêm hai mũi Sinovac và một mũi tăng cường cũng sinh ra lượng kháng thể chỉ tương đương với những người mới chỉ được tiêm hai mũi vắc xin mRNA. Trong những nghiên cứu khác, phác đồ tiêm hai mũi vắc xin mRNA nhưng không tiêm liều tăng cường, đã được chứng minh là chỉ có khả năng bảo vệ hạn chế trước biến thể Omicron. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người bị nhiễm các chủng virus SARS-Cov-2 trước đó, ít có khả năng miễn dịch bảo vệ chống lại Omicron.
Phát hiện từ nghiên cứu sẽ làm phức tạp các nỗ lực toàn cầu chống lại biến chủng Omicron, đã thay thế chủng Delta nguy hiểm nhưng lan truyền ít hơn, và trở thành virus thống trị ở hầu hết mọi nơi trên thế giới. Akiko Iwasaki, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Rõ ràng là cần tiêm mũi tăng cường ở nhóm dân cư này vì chúng tôi biết rằng ngay cả tiêm hai mũi vắc xin mRNA cũng không cung cấp đủ khả năng bảo vệ chống biến thể Omicron”.
Omicron đã được chứng minh đặc biệt khó chống lại vì nó có 36 đột biến ở các protein cầu gai trên bề mặt mà virus sử dụng để xâm nhập vào các tế bào. Các loại vắc xin mRNA hiện có được thiết kế để kích hoạt phản ứng kháng thể khi nhận ra các protein cầu gai. Tuy nhiên, Iwasaki nhấn mạnh hệ miễn dịch của con người vẫn có những vũ khí khác để chống lại COVID-19, chẳng hạn như tế bào T có thể tấn công và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.