Theo một nghiên cứu phân tích, tổng hợp được công bố trên tạp chí Diabetologia tháng 9/2022, cảm giác cô đơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Để đưa ra kết luận này, một nhóm các nhà nghiên cứu của Na Uy đã phân tích cơ sở dữ liệu HUNT chứa thông tin của hơn 230.000 người Na Uy.

 

Những người tham gia được yêu cầu nêu rõ tần suất họ cảm thấy cô đơn. Nghiên cứu đã theo dõi họ trong khoảng thời gian hơn 20 năm. Gần 5% trong số họ cuối cùng đã phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Bệnh tiểu đường loại 2 được đặc trưng bởi sự dư thừa nồng độ đường trong máu kéo dài do kháng insulin. Đây là dạng phổ biến nhất ở người lớn. Chỉ riêng tại Pháp năm 2020 ước tính có 3,5 triệu người bệnh tiểu đường đã được điều trị bằng thuốc. Tiểu đường loại 2 là loại phổ biến nhất (hơn 90%) và đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới do lối sống hiện đại, đặc biệt là chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.

Nghiên cứu cho thấy mức độ cô đơn cao hơn có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Thật vậy, những người tham gia nào nói họ cảm thấy "nhiều" sự cô đơn thì có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với những người không cảm thấy cô đơn. Theo các nhà nghiên cứu, mối quan hệ xã hội sẽ giúp có một cuộc sống tinh thần, sức khỏe tinh thần tốt hơn.

Những người cô đơn thường được xem như đang “tước bỏ” những ràng buộc xã hội, và do đó, họ có nhiều khả năng có những hành vi làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2, chẳng hạn như ít chơi thể thao hơn và có chế độ ăn uống kém phù hợp hơn.

Các tác giả nghiên cứu hy vọng rằng những kết quả này sẽ khuyến khích các bác sĩ xem xét sức khỏe tâm thần của bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị rằng sự cô đơn nên được đưa vào các hướng dẫn lâm sàng về tham vấn và can thiệp liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2. Điều quan trọng là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phải cởi mở để đối thoại về mối quan tâm của các cá nhân trong quá trình tham vấn lâm sàng, bao gồm cả liên quan đến cô đơn và tương tác xã hội.