Khi nhắc đến chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), phần lớn các nghiên cứu lâm sàng tập trung vào việc cải thiện tình trạng hơn là dự đoán trước nó. Tuy nhiên, nghiên cứu mới được thực hiện tại Trường Đại học Tufts vừa phát hiện ra một dấu hiệu não dường như có thể chỉ ra ai có nhiều khả năng phát triển PTSD khi tiếp xúc với chấn thương. Nó hoàn toàn liên quan đến vùng của não bị kích hoạt bởi các mối đe dọa nhận thức.

 

Một trong những khía cạnh quá phức tạp để hiểu rõ hơn về PTSD là tìm ra nguyên nhân tại sao một số người bị rơi vào tình trạng này còn những người khác thì không - ngay cả khi họ đều trải qua những sang chấn tương tự. Theo Cecilia Hinojosa, tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết, trong quá trình theo đuổi câu trả lời, các nhà nghiên cứu của Tufts đã quyết định tập trung vào một khía cạnh của tình trạng này đó là triệu chứng tăng cảnh giác (hypervigilance).

Khi thiết kế nghiên cứu, Hinojosa và nhóm của cô quyết định tập trung vào các cặp song sinh nam giống hệt nhau, nhằm giúp kiểm soát những biến đổi sinh học. Trong nhóm thử nghiệm, họ xem xét đến các cặp song sinh, trong đó một người đã trải qua chấn thương và phát triển PTSD, người kia thì không. Ở nhóm đối chứng, họ xem xét những người là anh em, trong đó có một người đã trải qua chấn thương và không phát triển PTSD, còn những người còn lại thì không.

Những người tham gia nghiên cứu đều được kiểm tra bằng máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Điều này cho phép họ thiết lập được bản đồ hoạt động của não cho từng người. Tất cả các cặp song sinh đều được cho xem các hình ảnh khuôn mặt có vẻ mặt ngạc nhiên và một khuôn mặt bình thường.

Ở những người phát triển PTSD, các nhà nghiên cứu thấy có sự hoạt động tăng cao trong hạch hạnh nhân của não - khu vực đóng vai trò trong phản ứng sợ hãi của chúng ta - đặc biệt là phản ứng bỏ chạy, chiến đấu hoặc đóng băng của chúng ta.

Ngược lại, hạch hạnh nhân không biểu hiện hoạt động tăng cao trong não của nhóm đối chứng không mắc PTSD. Điều này khiến các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng sự kích hoạt vùng não này và xu hướng phát triển PTSD có mối liên quan.

Ngoài việc quan sát hoạt động trong hạch hạnh nhân trong các nhóm thử nghiệm, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có sự giảm hoạt động ở một vùng não là hồi trán trung gian (medial frontal gyrus), vùng não giúp giảm bớt phản ứng của hạch hạnh nhân khi đối mặt với các tình huống thực sự không đe dọa. Họ chỉ nhìn thấy hoạt động này ở các nhóm anh em mắc PTSD chứ không thấy ở các cặp song sinh - điều này khiến các nhà nghiên cứu khẳng định rằng kiểu não đặc biệt này là dấu hiệu kết quả chứ không phải nguyên nhân của tình trạng này.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện này có thể giúp hay hướng dẫn những người dễ bị PTSD tránh xa những vai trò có thể gây ra tình trạng này hoặc có thể cũng cấp cho họ các phương pháp điều trị ngay khi họ trải qua chấn thương để có thể hy vọng ngăn chặn sự phát triển các triệu chứng PTSD. Mục tiêu này cũng giống với mục tiêu của các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Indiana năm 2019 rằng xét nghiệm máu có khả năng xác định được những người có khả năng phát triển PTSD nhất.

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Tâm thần (Journal of Psychiatric Research) gần đây.