gày 30/6/2023, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Tọa đàm “Con đường đến khử carbon: Từ hiệu quả năng lượng đến các nguồn năng lượng thay thế”. Tọa đàm có sự phối hợp của Hiệp hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), nằm trong khuôn khổ chương trình tăng cường hợp tác kinh tế giữa Chính phủ Australia và Việt Nam (VEG), nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ.

 

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tham dự tọa đàm có ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các trường đại học, các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại toạ đàm

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, tọa đàm lần này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế hai quốc gia cũng như sự cộng hưởng chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Australia. Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để kìm hãm phát thải carbon như cam kết, các doanh nghiệp đứng trước sức ép chuyển dịch năng lượng và đổi mới công nghệ. Chia sẻ mục tiêu này, ngành khoa học và công nghệ cùng các viện nghiên cứu, trường đại học cần chung tay để nghiên cứu, triển khai, kết nối công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp. Việt Nam và Australia đã có nhiều kết quả hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua chương trình Aus4Innovation. Điển hình khi Đại học Công nghệ Sydney (UTS) đóng góp một phần quan trọng trong hỗ trợ chuyển giao mô hình Thương mại hóa kết quả nghiên cứu cho các trường đại học ở Việt Nam. Nhờ mô hình này, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã chế tạo nhanh máy trợ thở trong đại dịch Covid-19. Thời gian tới Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn hai bên hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các biện pháp nâng cao hiệu quả, quy mô áp dụng được cho các doanh nghiệp cũng như hộ gia đình để tiết kiệm điện, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí CO2, các nguồn năng lượng và nhiên liệu mới có tính bền vững và không tác động đến môi trường; các chính sách và công cụ quản lý mới kích thích cạnh tranh lần đầu tiên được áp dụng, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý năng lượng, mô hình kinh doanh chia sẻ lợi nhuận trong đầu tư dự án năng lượng...

Tọa đàm là cơ hội cho các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và Australia chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ để giảm khí thải carbon và tìm kiếm các nguồn năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu Việt Nam có mức phát thải ròng bằng không (Net zero) vào năm 2050.