Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là công nghệ quan trọng nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0), là yếu tố có thể dẫn đến sự thay đổi trật tự toàn cầu trong tương lai.
AI là một tập hợp các giải pháp công nghệ cho phép bắt chước các chức năng nhận thức của con người (bao gồm tự học và tìm kiếm giải pháp mà không cần thuật toán định trước) và thu được kết quả khi thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà ít nhất có thể so sánh được với kết quả hoạt động trí tuệ của con người. Nó bao gồm cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, phần mềm (bao gồm cả những phần mềm sử dụng phương pháp học máy), các quy trình và dịch vụ để xử lý dữ liệu và tìm kiếm giải pháp. Các nhóm công nghệ AI chính bao gồm thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng và tổng hợp giọng nói, hệ thống hỗ trợ quyết định thông minh và các kỹ thuật AI tiên tiến.
Các chính phủ, các tập đoàn, các viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới đang quan tâm đầu tư ngày càng nhiều cho AI vì những lợi ích rất lớn mà nó đem lại trong tương lai. Theo công ty PriceWaterhouse Coopers (PwC) - công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, AI được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp. Theo dự báo của PwC, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều người có quan điểm lạc quan về AI cho rằng AI sẽ tạo ra những ngành công nghiệp mới và việc làm mới.
Sự phát triển của công nghệ AI đã được công nhận rộng rãi như một biểu hiện của sức mạnh toàn diện của một quốc gia thông qua năng lực thực hiện đổi mới, sáng tạo. Hầu hết các nước, đạc biệt là các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, và một số nước EU đã ban hành và đang xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI, cũng như nâng cao vị thế của quốc gia trong cuộc cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này. Cuộc chạy đua quyết liệt về công nghệ AI giữa các cường quốc xuất phát từ một số lý do: Thứ nhất, công nghệ AI có thể được ứng dụng vào quốc phòng, phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác có tầm quan trọng sống còn. Thứ hai, so với các công nghệ mới khác, như máy tính lượng tử, 5G, internet vạn vật (IoT), công nghệ AI có đặc trưng là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người; đồng thời, có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. Hiện nay, mỗi ngày trên toàn cầu có khoảng 2,2 tỷ Gb dữ liệu mới (tương đương 165.000 tỷ trang tài liệu) được tạo ra và được các công ty, như: Google, Twitter, Facebook, Amazon, Baidu, Weibo, Tencent hay Alibaba,... thu thập để tạo thành dữ liệu lớn (big data). Thứ ba, cuộc chạy đua về công nghệ AI là một loại hình cạnh tranh chiến lược và có các đánh giá chiến lược, ra quyết định, cũng như huy động nguồn lực của cả nước. Do vậy, sự cạnh tranh trong phát triển công nghệ AI được dự báo có thể dẫn đến leo thang cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, đầu tư, nghiên cứu phát triển, dữ liệu và hệ giá trị.
Theo Báo cáo Chỉ số AI 2022 của Đại học Stanford, từ năm 2010 đến năm 2021, tổng số công bố khoa học về AI đã tăng gấp đôi, tăng từ 162.444 năm 2010 lên 334.497 vào năm 2021. Theo loại ấn phẩm công bố, năm 2021, 51,5% tất cả các tài liệu AI được xuất bản là các bài báo trên tạp chí, 21,5% là các bài báo hội nghị và 17,0% là từ các kho lưu trữ. Sách, chương sách, luận văn và các loại tài liệu không xác định liên quan đến AI chiếm 10,1% còn lại.
Theo lĩnh vực nghiên cứu, các công bố liên quan đến AI trong lĩnh vực nhận dạng mẫu và học máy đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2015. Trong năm 2021, lĩnh vực nhận dạng mẫu đạt số lượng hơn 51.000 công bố, tiếp theo là lĩnh vực học máy đạt gần 40.000 công bố, thị giác máy tính gần 25.000 công bố. Các lĩnh vực tăng trưởng chậm hơn như thị giác máy tính, khai thác dữ liệu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Mặc dù ấp căng thẳng địa chính trị gia tăng, Hoa Kỳ và Trung Quốc có số lượng hợp tác xuyên quốc gia lớn nhất trong các công bố khoa học về AI từ năm 2010 đến năm 2021, tăng gấp 5 lần kể từ năm 2010. Sự hợp tác giữa hai nước đã tạo ra nhiều ấn phẩm hơn 2,7 lần so với giữa Anh và Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới về số lượng công bố liên quan đến AI trên các tạp chí, hội nghị và kho lưu trữ, cao hơn 63,2% so với Hoa Kỳ với cả ba loại xuất bản cộng lại. Trong khi đó, Hoa Kỳ dẫn đầu trong số các cường quốc AI lớn về số lượng trích dẫn từ kho lưu trữ và hội nghị AI.
Năm 2020, Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ về số lần bài báo học thuật AI được trích dẫn. Đây là thước đo chất lượng của một nghiên cứu. Theo báo cáo của Đại học Stanford, tỉ lệ trích dẫn các bài báo học thuật liên quan tới AI của Trung Quốc là 20,7%, cao hơn 19,8% của Hoa Kỳ. Từ năm 2012, Trung Quốc công bố 240.000 nghiên cứu học thuật về AI, so với 150.000 của Mỹ. Một lý do khiến Trung Quốc mạnh về AI là lượng dữ liệu khổng lồ mà họ phát sinh. Ước tính đến năm 2030, 8 tỷ thiết bị tại Trung Quốc sẽ kết nối IoT. Chúng gắn trên xe hơi, cơ sở hạ tầng, robot và các trang thiết bị khác, sinh ra lượng lớn dữ liệu.
Từ năm 2010 đến năm 2021, sự hợp tác giữa các tổ chức giáo dục và phi lợi nhuận đã tạo ra số lượng ấn phẩm AI cao nhất, tiếp theo là sự hợp tác giữa các công ty tư nhân với các tổ chức giáo dục và giữa các tổ chức giáo dục và chính phủ.
Theo khu vực công bố, số lượng công bố khoa học về AI từ khu vực giáo dục chiếm tỷ lệ lớn nhất (gần 60%), khu vực phi lợi nhuận đạt gần 12%, doanh nghiệp (hơn 5%), chính phủ (hơn 3%) và các khu vực khác (hơn 20%). Mức độ công bố khoa học về AI của công ty cao nhất ở Hoa Kỳ (gần 10% tổng số công bố), sau đó là ở Liên minh Châu Âu, Trung Quốc chỉ hơn 4%.