Đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa, khiến hơn 3,9 tỷ người phải ở trong nhà vào tháng 4 năm 2020, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hầu hết dân số thế giới. Trong bối cảnh như vậy, các sở thích xã hội có thể thay đổi. Ví dụ, kinh nghiệm hành động tập thể trong cuộc khủng hoảng có thể thúc đẩy các hình thức đoàn kết mới. Đồng thời, dư luận xã hội và các quan điểm xã hội còn lâu mới trở thành một thể thống nhất trong các xã hội dân chủ. Có rất nhiều ý kiến, giá trị và sở thích khác nhau, thường đối nghịch nhau nhưng cũng bổ sung cho nhau. Những năm gần đây đã chứng kiến sự phân cực xã hội lớn hơn ở nhiều quốc gia OECD, đôi khi biểu hiện thành “chiến tranh văn hóa” hoặc xung đột giữa các thế hệ, một phần là do bất bình đẳng ngày càng tăng và sự gia tăng của bản sắc chính trị và các đảng chính trị “dân túy”.
Dư luận và sở thích xã hội được định hình bởi nhiều yếu tố. Việc quản lý đại dịch COVID-19 (ví dụ như các biện pháp hạn chế được thực hiện và hiệu quả của chúng trong việc kiểm soát sự lây lan của vi rút, và truyền thông, tư vấn khoa học cho công chúng), cũng như các tác động kinh tế - xã hội của cuộc khủng hoảng có thể có tác động đến cách xã hội nhìn nhận sự can thiệp của chính phủ nói chung, vai trò của khoa học trong xã hội và sự cần thiết phải quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tính bao trùm và khả năng phục hồi. Bảng 1.1 phác thảo một số điểm mấu chốt quan trọng liên quan đến tác động của COVID-19 đối với sở thích của xã hội và các tác động có thể có đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI).
Các điểm mấu chốt quan trọng trong các sở thích và giá trị xã hội dưới tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19
- Triển vọng về việc chống sốc cho nền kinh tế và chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng:
Các yếu tố ủng hộ khả năng phục hồi: cuộc khủng hoảng COVID-19 nâng cao nhận thức của xã hội về tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế thực trước các cú sốc, ủng hộ hành động chính sách để tạo ra nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn.
Các yếu tố chống lại khả năng phục hồi: cuộc khủng hoảng được coi là trường hợp ngoại lệ, sẽ không lặp lại và những thay đổi cần thiết để làm cho nền kinh tế có khả năng phục hồi được coi là quá tốn kém. Do đó, có rất ít nhu cầu từ xã hội về việc chống sốc hơn cho nền kinh tế.
- Quan điểm xã hội về nhu cầu hòa nhập nhiều hơn:
Các yếu tố ủng hộ việc hòa nhập: vấn đề về các nhóm yếu thế trong xã hội đã bộc lộ và trở nên trầm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng. Sự hòa nhập là mục tiêu, nền tảng trong các chương trình nghị sự chính sách khi các phong trào xã hội như #MeToo và Black Lives Matter tràn ngập các lĩnh vực chính trị và xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, sự thống trị của các công ty lớn được coi là phương hại đến phúc lợi kinh tế - xã hội và dẫn đến sự kêu gọi rộng rãi hơn để hỗ trợ các DNVVN.
Các yếu tố chống lại hòa nhập: nhu cầu phục hồi sau cú sốc kinh tế sâu rộng khiến tính hòa nhập được ưu tiên thấp hơn. Các phong trào như các nhóm dân tộc chủ nghĩa ủng hộ loại trừ thu được sức hút lớn hơn. Các công ty lớn cung cấp các sản phẩm mà người tiêu dùng yêu cầu và sử dụng các nguồn lực/năng lực của họ để ứng phó với các thách thức COVID-19, dẫn đến sự ủng hộ ngầm của công chúng về sự thống trị của họ.
- Dư luận về tầm quan trọng tương đối của tính bền vững môi trường:
Các yếu tố ủng hộ tính bền vững: cú sốc COVID-19 nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường như một ưu tiên chính sách quan trọng, vì chúng gây ra rủi ro về những cú sốc trong tương lai ở quy mô chưa từng có.
Các yếu tố khiến công chúng ít ủng hộ hơn: dư luận coi thường thách thức khí hậu khi các vấn đề sức khỏe và phục hồi kinh tế (bao gồm cả việc duy trì việc làm bằng mọi giá) trở nên quan trọng.
- Quan điểm của xã hội về vai trò của STI:
Các yếu tố ủng hộ STI: sự ủng hộ của công chúng đối với STI tăng lên vì nó được coi là cung cấp các giải pháp lâu dài duy nhất cho cuộc khủng hoảng COVID-19, ví dụ: thông qua sự phát triển nhanh chóng của một loại vắc-xin hiệu quả.
Các yếu tố chống lại STI: dư luận trở nên tiêu cực đối với STI, ví dụ: bởi vì tư vấn khoa học được coi là “thủ phạm” cho các biện pháp phong tỏa và các biện pháp hạn chế khác.
- Dư luận về sự chỉ đạo của chính phủ đối với nền kinh tế:
Các yếu tố thúc đẩy chính phủ “chèo lái” nhiều hơn: trải nghiệm về cú sốc dẫn đến nhận thức rằng chính phủ cần giúp “chèo lái” các thị trường để bảo vệ nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi khủng hoảng. Sự tin tưởng vào các can thiệp của chính phủ tăng lên nhờ nhận thức được tính hữu ích và hiệu quả của các hành động được thực hiện để bù đắp các tác động tiêu cực của COVID-19.
Các yếu tố chống lại việc dư luận ủng hộ sự chỉ đạo của chính phủ: các vụ phong tỏa và mức tử vong cao khiến nhận thức của công chúng về phản ứng của chính phủ đối với cú sốc COVID-19 là không thuận lợi, điều này làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế.
Nhận thức của công chúng về vai trò của STI và chính phủ
Chuyển đổi các chính sách STI: quan điểm của xã hội về tầm quan trọng của việc chuyển đổi các hệ thống kỹ thuật - xã hội để có khả năng phục hồi tốt hơn, bao trùm và bền vững hơn sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu của chính sách STI và các công cụ chính sách. Ví dụ, các chính sách STI sẽ hướng đến các mục tiêu xã hội nhiều hơn nếu xã hội đặt giá trị cao hơn vào các vấn đề bền vững và hòa nhập.
Quy mô hỗ trợ chính sách STI: dư luận xã hội về cường độ can thiệp của chính phủ và vai trò của STI sẽ định hình hỗ trợ cho STI trong các gói ổn định và phục hồi. Ví dụ, nếu xã hội nhìn nhận tích cực cả STI và sự can thiệp của chính phủ, thì STI sẽ đóng những vai trò nổi bật trong các gói phục hồi đầy tham vọng.
Tiếp cận các hệ thống STI: ngoài ảnh hưởng đến chính trị, những thay đổi trong nhận thức của xã hội về STI sẽ tác động tới ảnh hưởng của STI đối với xã hội (ví dụ: lòng tin của mọi người vào tư vấn khoa học), cũng như khả năng thu hút nhân tài mới của STI (ví dụ: nhiều sinh viên tham gia vào nghề nghiệp khoa học).
Nhận thức của công chúng về vai trò của STI và chính phủ: Nhận thức về vai trò của STI trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng có vẻ là tích cực. Ví dụ, kết quả dựa trên cuộc khảo sát 651 người trên khắp nước Anh, xứ Wales và Scotland, được thực hiện từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 26 tháng 4 năm 2020 cho thấy 72% người được hỏi tin tưởng hoàn toàn hoặc ở mức độ cao về vai trò của STI và chính phủ trong ứng phó với khủng hoảng. Khảo sát OECD Science Flash 2020 về tư vấn khoa học và sự tin tưởng cho thấy rằng các nhà nghiên cứu mong đợi sự gia tăng sử dụng bằng chứng khoa học, nâng cao uy tín của khoa học và sử dụng rộng rãi hơn tư vấn khoa học sau khủng hoảng. Họ cũng mong muốn nghề nghiên cứu khoa học trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, những nhận thức tích cực này có thể không kéo dài. Các biện pháp giãn cách xã hội mới để chống lại làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, dựa trên tư vấn khoa học, đã dẫn đến các cuộc biểu tình công khai ở một số quốc gia. Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về các biện pháp phong tỏa và tình trạng nhiễm bệnh, và sự phản đối mạnh hơn ở những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các quyết định phong tỏa.
Đối với ý kiến của công chúng về cách xử lý đại dịch của chính phủ, một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 9 năm 2020 cho thấy tỷ lệ trung bình của công dân EU là 44% (dựa trên 26381 câu trả lời từ tất cả các nước EU) tin tưởng vào chính phủ quốc gia của họ trong việc đưa ra các quyết định đúng đắn để khắc phục các tác động kinh tế - xã hội của cuộc khủng hoảng COVID-19. 48% cho biết họ không tin tưởng vào chính phủ quốc gia của họ về vấn đề này. Tuy nhiên, mức độ tin cậy về cơ bản khác nhau giữa các quốc gia, thường cao hơn ở khu vực Bắc Âu và thấp hơn ở Trung và Đông Âu. Mức độ tin cậy có thể sẽ thay đổi theo thời gian khi cuộc khủng hoảng còn diễn ra.