Sữa thô hay sữa tươi nguyên liệu nguy hiểm hơn những gì mọi người nghĩ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford đã phát hiện ra một chủng vi-rút cúm A đặc hiệu vẫn có khả năng lây nhiễm sau năm ngày trong sữa tươi đông lạnh. Như vậy, sữa tươi là con đường lây truyền khả thi đối với các chủng cúm tương tự, đặc biệt là vi-rút cúm gia cầm hiện đang lây lan mạnh mẽ trong đàn bò sữa.
Thanh trùng là quá trình đun nóng thực phẩm và chất lỏng đơn giản và nhanh chóng để tiêu diệt vi khuẩn có thể làm hỏng hoặc gây ngộ độc thực phẩm. Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu sâu rộng đã chỉ ra rằng các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng hay sữa nguyên liệu có thể lan truyền vi khuẩn gây hại. Kết quả của một nghiên cứu năm 2018 cho thấy sữa tươi và các sản phẩm từ pho mát chiếm 96% tổng số bệnh do thực phẩm gây ra, có nguồn gốc từ sữa trong khoảng thời gian 5 năm.
Vi-rút cúm A/H5N1, chủng cúm gia cầm động lực cao (HPAI), đã xuất hiện ở bò sữa trong năm nay. Người ta đã tìm thấy H5N1 trong các sản phẩm sữa tươi thương mại. Một số loài động vật, đặc biệt là mèo sống trong các trang trại, bị nghi ngờ đã mắc H5N1 do uống sữa chưa tiệt trùng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra sự tồn tại của chủng cúm trong sữa nguyên liệu trong điều kiện thực tế hơn đối với con người.
Các nhà nghiên cứu đã đưa chủng cúm A/H1N1 vào các mẫu sữa thô với liều lượng vi-rút ban đầu tương tự như liều được thấy trong các sản phẩm sữa thương mại bị nhiễm khuẩn (mặc dù khi được thanh trùng, các sản phẩm này không còn có vi-rút gây nhiễm khuẩn nữa). Sau đó, họ lưu giữ các mẫu sữa trong tủ lạnh ở nhiệt độ thường và theo dõi thời gian cần thiết để lượng vi-rút giảm xuống đến mức không thể lây nhiễm cho người. Các tác giả cũng đã kiểm tra phạm vi ảnh hưởng của phương pháp thanh trùng đến khả năng sống sót của vi-rút.
Cũng giống như các nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra quy trình thanh trùng đã loại bỏ hoàn toàn mọi loại vi-rút cúm truyền nhiễm. Tuy nhiên, phải mất tới 5 ngày để các mẫu sữa thô không còn khả năng lây nhiễm.
Nghiên cứu đã xem xét một chủng cúm A khác với H5N1. Nhưng các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng khả năng lây nhiễm của cả hai chủng H1N1 và H5N1 trong sữa dường như đều giảm với tốc độ như nhau và các loại vi-rút cúm A nhìn chung không khác nhau nhiều về đặc trưng này. Vì vậy, H1N1 có thể đại diện cho H5N1.
Tính đến đầu tháng 12 năm nay, các đợt bùng phát dịch cúm H5N1 ở bò sữa đã xảy ra ở 16 tiểu bang. Tại Hoa Kỳ, 60 trường hợp mắc H5N1 ở người đã được ghi nhận, hầu hết là do tiếp xúc với bò hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh. Cho đến nay, các trường hợp mắc H5N1ở người nhìn chung đều nhẹ và người ta tin rằng loại vi-rút này vẫn chưa thích nghi để dễ dàng lây lan giữa người với người.
Tuy nhiên, cũng đã có những trường hợp mắc H5N1 nghiêm trọng hơn được báo cáo. Càng để các chủng này lây lan giữa bò và các loài động vật có vú khác như con người trong thời gian dài hơn, thì càng có nguy cơ cao xuất hiện phiên bản ác mộng của H5N1 dẫn đến đại dịch lan rộng, do sử dụng phổ biến sữa tươi nguyên liệu. Khoảng 4% người Mỹ được cho là tiêu thụ các sản phẩm từ sữa thô ít nhất một lần một năm, trong đó 1% tiêu thụ chúng thường xuyên.
Nghiên cứu mới nêu bật nguy cơ tiềm ẩn lan truyền cúm gia cầm thông qua tiêu thụ sữa thô và tầm quan trọng của việc thanh trùng sữa. Tuy nhiên, những người yêu thích các sản phẩm từ sữa thô vẫn đang phớt lờ các cảnh báo. Doanh số bán sữa thô vẫn tăng kể từ khi H5N1 xuất hiện trong năm nay, ngay cả khi các sản phẩm sữa bị thu hồi liên quan đến cúm gia cầm. Nhiều người ủng hộ sữa tươi nguyên liệu tiếp tục lan truyền thông tin sai lệch về những lợi ích của sữa chưa tiệt trùng với sữa tiệt trùng như tăng cường hệ miễn dịch của con người.
Nguồn: N.P.D (NASATI), theo Gizmodo, 1/2025