Ngày 20/5/2022, tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia đã tổ chức cuộc họp về hợp tác phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ. Tham dự cuộc họp có ông Trần Đắc Hiến - Cục trưởng, ông Đào Mạnh Thắng - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia; bà Đỗ Thị Xuân Dung - Phó Giám đốc Đại học Huế; ông Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội; các đ/c lãnh đạo Ban Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo trung tâm thông tin học liệu, thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ.

 

Phát biểu định hướng cuộc họp, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia cho biết, nhằm đảm bảo ngưỡng an toàn thông tin cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, từ năm 2017, sub-consortium Science Direct được thành lập bao gồm 4 đơn vị (Đơn vị chủ trì là Cục Thông tin KH&CN quốc gia và 03 đơn vị thụ hưởng: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội). Năm 2021 bổ sung thêm Đại học Huế và tới năm 2022 mở rộng Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên và Đại học Cần Thơ. Nhóm bổ sung tập trung CSDL Science Direct do Cục Thông tin KH&CN quốc gia chủ trì và 07 Đại học lớn nhất cả nước (gọi là Nhóm 7+1) cần phát huy vai trò quốc gia trong việc khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin đã được nhà nước đầu tư kinh phí và có những đóng góp tạo nên tác động tích cực tới hoạt động nghiên cứu, đào tạo và công bố khoa học trong cả nước.

Các đại biểu tham dự đã thảo luận và thống nhất cao về trách nhiệm của các đơn vị thành viên trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả CSDL Science Direct và trách nhiệm của Nhóm 7+1 với các thành viên Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN. Cuộc họp cũng thống nhất về mặt chủ trương việc chia sẻ các CSDL nội sinh trong Nhóm 7+1 và tăng cường rà soát các tạp chí thuộc 07 Đại học tham gia vào hệ thống Tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (VJOL).

Các đại biểu đánh giá cao hoạt động hỗ trợ của Cục Thông tin trong thời gian qua đối với các cán bộ nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và đề xuất tăng cường tổ chức các hội thảo trực tiếp và trực tuyến giữa Cục Thông tin với các Đại học về kỹ năng khai thác các CSDL học thuật, kỹ năng đăng bài trên các tạp chí và các nội dung khác có liên quan khác. 07 Đại học cũng mong muốn Cục Thông tin KH&CN quốc gia đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ cân đối các nguồn lực và xem xét bổ sung tập trung một số nguồn tin quan trọng khác.

Các đại biểu cũng thống nhất sẽ tiếp tục bàn bạc sâu hơn các nội dung hợp tác, chia sẻ dữ liệu KH&CN giữa các đơn vị tại cuộc họp Nhóm 7+1 trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp thư viện Việt Nam về các nguồn tin KH&CN năm 2022 tại Thừa Thiên Huế.

Thực hiện Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, thời gian qua, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã bổ sung tập trung CSDL Science Direct cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo lớn trong cả nước như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Cần Thơ và Đại học Thái Nguyên. Nguồn cơ sở dữ liệu học thuật này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và công bố khoa học của các đơn vị thụ hưởng.

Một số hình ảnh tại Cuộc họp Nhóm 7+1:

Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia chủ trì cuộc họp

Bà Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đai học Huế phát biểu tại Cuộc họp

Ông Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu tại cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp