Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Độc lập của Ấn Độ, ngày 08 tháng 04 năm 2021 tại Đại sứ quán Ấn Độ đã diễn ra buổi tọa đàm về Ngân sách hàng năm của Ấn Độ giai đoạn 2021 – 2022 với những ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Ấn Độ trong một năm tới và những cơ hội sẽ tạo ra cho quan hệ đối tác kinh tế với Việt Nam.
Ngài Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ
Tham gia sự kiện có đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ngoài ra, có đại diện các hiệp hội doanh nghiệp khác nhau, bao gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Kinh doanh Ấn Độ tại Hà Nội (In-Cham), Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Liên minh các nhà đầu tư quốc tế Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hội nữ trí thức Việt Nam và khoảng 30 công ty Việt Nam cùng tham dự.
Trong bài phát biểu khai mạc và trong cuộc tiếp xúc sau đó, Đại sứ Ấn Độ, ngài Pranay Verma đã nhấn mạnh nhiều bước chuyển đổi mà Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện trong kế hoạch kinh tế hàng năm nhằm đưa kinh tế - xã hội của Ấn Độ phát triển theo một quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng sau tác động của đại dịch Covid-19. Ông mô tả tầm nhìn về “Ấn Độ tự cường” (Aatmanirbhar Bharat) là phản ứng của Ấn Độ đối với Covid-19 sẽ được xây dựng trên nền tảng của sự tham gia sâu rộng hơn trên toàn cầu và sẽ mang lại năng lực sản xuất của Ấn Độ để đóng góp vào sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu thông qua chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Trong bối cảnh đó, Đại sứ đã nêu bật những đóng góp của Ấn Độ trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19 thông qua việc cung cấp thuốc cho gần 150 quốc gia và Vắc xin “Made in India” cho hơn 80 quốc gia.
Bài thuyết trình cũng nhấn mạnh trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ trong một năm tới thông qua cam kết chưa từng có về nguồn lực để phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe, các chương trình phát triển toàn diện, cơ sở hạ tầng vật chất và tài chính, đối mới và R&D, phát triển nguồn nhân lực và quản trị hiệu quả. Các bước chuyển đổi đang được thực hiện thông qua các cải cách sâu rộng trong các lĩnh vực quan trọng như lao động, đất đai, nông nghiệp, giáo dục, sản xuất, v.v… đã định vị Ấn Độ mạnh mẽ trên con đường tăng trưởng nhanh chóng, được chứng minh bằng dự báo tăng trưởng GDP cho Ấn Độ trên 12% vào năm 2021 bởi một số tổ chức tài chính toàn cầu hàng đầu thế giới. Ngài Pranay Verma nhấn mạnh rằng: Khát vọng trở thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỷ đô la Mỹ trong 5 năm tới của Ấn Độ và tham vọng trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045 của Việt Nam sẽ tạo ra nhiều hiệp lực cho sự hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực như kinh tế, kỹ thuật số, phát triển bền vững, đổi mới,v.v… Liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước.
Trong buổi tương tác, các đại biểu cũng thảo luận về các cơ hội hợp tác tiềm năng giữa các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể như chất bán dẫn siêu dẫn, dược phẩm, công nghệ nano, giải pháp môi trường, công nghệ xanh và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả du lịch và y tế.
Cuộc tọa đàm đã để lại nhiều kỳ vọng cho sự hợp tác bền chặt giữa hai nước, đồng thời mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam một cánh cửa rộng lớn để tiến sâu vào thị trường Ấn Độ trong giai đoạn 2021 – 2022.
Nguồn: vietnamhoinhap.vn