Protein hay chất đạm là chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khoẻ mỗi người, là một trong ba chất dinh dưỡng đa lượng thiết yếu của cơ thể bên cạnh chất béo và carbohydrate. Chất đạm có vai trò đảm nhiệm chức năng tăng trưởng và duy trì tế bào mô, tạo ra các phản ứng sinh hoá cần thiết cho quá trình trao đổi chất, tạo nên cấu trúc của tế bào, đặc biệt khối cơ...

 

Protein được tạo thành từ các axit amin, hoạt động như các enzym đẩy nhanh các phản ứng hóa học, điều chỉnh quá trình vận chuyển các chất qua màng tế bào và bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Một chế độ ăn uống cung cấp đủ lượng protein là cần thiết. Mỗi ngày, bạn cần nạp tối thiểu 10% lượng calo hàng ngày từ protein để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Phụ nữ trưởng thành cần hoảng 45gram protein/ngày và đàn ông cần khoảng 52 gram/ngày.

Một người trưởng thành trung bình ít vận động cần 0,8gram cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Khi chế độ ăn uống không hợp lý diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn tới thiếu hụt chất đạm, nếu bạn thấy có một trong những biểu hiện sau rất có thể bạn gặp phải tình trạng thiếu protein cần phải bổ sung:

Vết thương lâu lànhNhững người thiếu protein đồng nghĩa với việc cơ thể không tạo đủ collagen, nó cũng góp phần làm chậm đi quá trình hồi phục của các vết thương. Collagen có trong các mô liên kết cũng như da của bạn. Chính vì thế, ở người thiếu protein các vết trầy xước, sưng tấy hay bong gân trong quá trình vận động cần nhiều thời gian hơn để lành lại.

Yếu ớt và mệt mỏi: Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần một tuần không ăn đủ protein có thể ảnh hưởng đến các cơ chịu trách nhiệm về tư thế và chuyển động của bạn. Theo thời gian, việc thiếu protein có thể khiến bạn mất đi khối lượng cơ bắp, từ đó làm giảm sức mạnh, khó giữ thăng bằng và làm chậm quá trình trao đổi chất. Nó cũng có thể dẫn đến thiếu máu, khi các tế bào không nhận đủ oxy, khiến bạn mệt mỏi. Điều này thường gặp ở người độ tuổi 55 trở lên.

Một nguyên cứu đăng trên tạp chí Nutrients cho biết, thiếu hụt protein có thể dẫn đến các tình trạng chậm chạp, yếu ớt, năng lượng thấp và giảm cân không chủ đích ở người trên 60 tuổi.

Cảm giác đói: Các nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng, ăn thực phẩm có protein giúp bạn cảm thấy no hơn trong suốt cả ngày do chúng cung cấp năng lượng cho các hoạt động cùng với carbs và chất béo. Nhưng nếu bạn vẫn cảm thấy đói khi đã ăn đầy đủ, đó có thể là dấu hiệu của cơ thể thiếu protein.

Thay đổi tâm trạngTrytophan là một axit amin, tiền thân của chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Khi thiếu protein, việc cung cấp axit amin này bị cản trở, hạn chế khả năng tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh của cơ thể. Vì vậy nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng não, khiến cảm xúc thay đổi thất thường. Chẳng hạn như với mức dopamine và serotonin thấp, bạn có thể cảm thấy chán nản hoặc quá khích.

Suy giảm hệ miễn dịchCác axit amin trong máu giúp hệ thống miễn dịch của bạn tạo ra các kháng thể kích hoạt tế bào bạch cầu để chống lại vi rút, vi khuẩn và độc tố. Bạn cần protein để tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Có nhiều bằng chứng cho thấy protein có thể thay đổi số lượng vi khuẩn có lợi, chống lại bệnh tật trong đường ruột của bạn.

Gặp các vấn đề về tóc, da và móng: Protein như elastin, collagen và keratin tham gia vào quá trình hình thành tóc, móng và da. Khi cơ thể bạn không thể tạo ra chúng, tóc bạn có thể bị giòn hoặc mỏng, da dễ bị khô và bong tróc hoặc các đường hằn sâu trên móng tay. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các vấn đề về da, tóc và móng không đến từ chế độ ăn uống của bạn. Nhưng nếu bạn có xuất hiện những dấu hiệu này, hãy xem xét liệu bạn có đang bị thiếu hụt protein hay không.

Nếu bạn tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống cân bằng thì sẽ duy trì được một sức khỏe tốt. Đối với người cao tuổi và những bị ung thư, nên cung cấp lượng protein theo chỉ định của bác sĩ. Những người không phải hoạt động quá nhiều chỉ cần bổ sung lượng protein vừa phải, lạm dụng quá nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.

Nguồn:Từ trang web:vista.gov,vn của cục thông tin KH&CN Quốc gia