Lĩnh vực thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã đạt được những bước tiến lớn, nhưng giá thành của thịt vẫn là rào cản thương mại trên phạm vi rộng. Công ty khởi nghiệp Moolec ở Anh đã đưa ra giải pháp thay thế ít tốn kém hơn nhờ có cây đậu tương cung cấp hạt đậu nành giàu protein từ lợn.

 

Chi tiết công nghệ vẫn là bí mật thương mại, nhưng công ty Moolec cho biết đã bổ sung gen lợn vào bộ gen của cây đậu tương quen thuộc. Kết quả là một phần tư protein trong hạt đậu "Piggy Sooy" của cây đỗ tương đó là protein từ lợn (chiếm 26,6%). Thịt từ đậu nành thậm chí còn có màu hồng giống như thịt lợn. Công ty Moolec cho rằng: “Mỗi loại protein được lựa chọn, sẽ làm tăng thêm giá trị về chức năng mục tiêu như hương vị, kết cấu và giá trị dinh dưỡng”.

Nông dân sẽ trồng cây đậu tương thông qua các hoạt động nông nghiệp truyền thống. Khi đậu nành được thu hoạch và chế biến bằng các kỹ thuật thông dụng, protein của chúng sẽ được đưa vào sản phẩm thay thế thịt và các sản phẩm khác. Cây đậu tương sản xuất protein thịt bò, cũng đang được nghiên cứu.

Như trường hợp của thịt lợn nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, việc sử dụng thương mại hạt đậu nành Piggy Sooy cuối cùng có thể loại bỏ hoạt động chăn nuôi và giết mổ lợn, cùng với những lo ngại về đạo đức và môi trường liên quan.

Amit Dhingra, giám đốc khoa học của công ty Moolec cho biết: “Moolec đã phát triển được nền tảng độc đáo, thành công và có thể cấp bằng sáng chế về biểu hiện của các protein giá trị cao trong hạt của các loại cây trồng quan trọng về mặt kinh tế như đậu tương. Thành tựu này mở ra một tiền lệ cho toàn bộ cộng đồng khoa học đang tìm cách đạt được mức độ biểu hiện protein cao trong hạt giống thông qua canh tác phân tử (molecular farming)".