Ngày 27/6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 1232/QĐ-BTTTT phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Quyết định số 2289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số.

 

Theo Quyết định 1232/QĐ-BTTTT, kết quả thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Thông tin và Truyền thông nhằm tạo lập hạ tầng số quốc gia hiện đại, an toàn, tạo không gian mới cho tăng trưởng kinh tế số, phát triển chính phủ điện tử ở mức cao, hướng tới xây dựng Chính phủ số.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra các mục tiêu cụ thể thực hiện kế hoạch. Theo đó, đến năm 2025, chỉ số chính phủ điện tử của Việt Nam theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam có chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu. Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Hạ tầng số thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (chỉ số IDI) của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Trong đó, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại di động thông minh; 80% dân số sử dụng internet; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%. Việt Nam triển khai dịch vụ 5G tại ít nhất 3 đô thị thông minh ở 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành xây dựng chính phủ số. Trong đó, Việt Nam có chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu thuộc nhóm 30 nước đứng đầu; chỉ số chính phủ điện tử thuộc nhóm 50 nước đứng đầu. Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Ngoài ra, hạ tầng số của Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông; phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; Phát triển nguồn nhân lực; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; đầu tư, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như công nghệ rô-bốt, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ trong y học, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối; mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập về khoa học và công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm về bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước và toàn xã hội

Nhiều nội dung nhiệm vụ cụ thể đã được nêu như: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin truyền thông để đảm bảo hạ tầng số đi trước và sẵn sàng cho các ngành khác triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, viễn thông, tần số vô tuyến điện. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tiến hành lập quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành chính sách về dữ liệu mở; điều phối, tổ chức thực hiện hướng dẫn kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số…

Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ cụ thể về nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, phục vụ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng hệ thống thông tin kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính phủ; huy động nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình thúc đẩy chuyển đổi số…