Trong bài phát biểu tại Diễn đàn "Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á" tổ chức tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vào sáng ngày 28/9/2023, TS Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã chia sẻ nhận định về vai trò của công nghệ trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này và tương lai. TS Nguyễn Thiện Nghĩa cho rằng sự đổi mới công nghệ và việc chuyển đổi kỹ thuật số có thể trở thành động cơ chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Theo TS Nguyễn Thiện Nghĩa, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển nền kinh tế của mình, và việc đổi mới công nghệ thông qua việc chuyển đổi kỹ thuật số đã được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước trong thập kỷ này. Ông cho biết rằng, trong bối cảnh và xu hướng phát triển của giai đoạn mới, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, với doanh thu hàng trăm tỷ USD và đã trở thành ngành mũi nhọn của nhiều quốc gia trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch đã chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu về lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong tháng 8/2022, xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện điện tử đạt con số cao kỷ lục là 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy tiềm năng lớn và cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Linda Tan, Chủ tịch SEMI Đông Nam Á, đã đánh giá rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với ước tính tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,12% từ năm 2022 đến năm 2027. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho quá trình sản xuất bán dẫn và vi mạch toàn cầu. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%.
GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong tương lai. Ông cho biết lĩnh vực chế tạo và thiết kế chip liên quan đến nhiều ngành khác nhau như công nghệ vật liệu, hóa học, sinh học, điện tử, cơ khí và chế tạo, và hệ thống đào tạo tại Việt Nam đã sẵn sàng để đáp ứng những yêu cầu này. GS.TS Chử Đức Trình cũng nhấn mạnh rằng, chỉ cần 1-2 năm để có được đội ngũ nhân lực phổ thông đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhưng với đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chip, cần một khoảng thời gian dài hơn. Ông nêu rõ rằng, sự phát triển chi tiết trong lĩnh vực thiết kế chip và sản xuất chip vẫn nằm trong tay doanh nghiệp. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp cần xác định rõ họ sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào.
nguồn :tin từ trang web.vista.goc.vn.của cục thông tin KH&CN cuốc gia
P.A.T (tổng h