Ngày 15/10/2023, Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023 đã khai mạc tại Đại học Tokyo của Nhật Bản. Đây là chuỗi chương trình tọa đàm do các tổ chức Mạng lưới học thuật người Việt Nam tại Nhật Bản (VANJ), Cộng đồng Chuyên gia người Việt Nam tại Nhật Bản (VPJ) và Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) phối hợp tổ chức 2 năm một lần.
Quang cảnh Phiên thảo luận: Năng lượng xanh và Phát triển bền vững
Các diễn giả đã thảo luận về những cơ hội, thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam về kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục và khoa học và công nghệ. Diễn đàn đưa ra đề xuất về phát triển bền vững của Việt Nam, về chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, sản xuất sạch và tiết kiệm tài nguyên...
Diễn đàn lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho rằng, nền tảng hợp tác tốt đẹp giữa hai nước góp phần tạo nên trụ cột phát triển mới trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Năng lượng xanh và Phát triển bền vững
Trong khuôn khổ Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản năm 2023, cùng ngày 15/10/2023 đã diễn ra phiên thảo luận: Năng lượng xanh và Phát triển bền vững.
Việt Nam đã cùng các nước phát triển trên thế giới cam kết thực hiện phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Emissions) vào năm 2050. Đây là sự cam kết cần có sự quyết tâm thực hiện từ chính sách nhà nước, kết hợp nguồn lực trong và ngoài nước, triển khai phát triển khoa học công nghệ. Việt Nam mới đây cũng đã chính thức thông qua Quy hoạch điện 8 với các nội dung cụ thể cho định hướng phát triển an ninh năng lượng quốc gia. Các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đang đẩy mạnh phát triển các dự án hiện thực hóa Net Zero Emissions. Hiện thực hóa Net Zero Emissions cùng với làm chủ các công nghệ luôn là thách thức với mọi quốc gia.
Mở đầu phiên thảo luận, PGS. TS. Nguyễn Đình Hòa (Đại học Kyushu, Nhật Bản) và TS. Phạm Văn Long (Đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản) giới thiệu bối cảnh và nội dung chính phiên thảo luận. PGS. TS. Hòa giới thiệu các nhóm ngành liên quan tới hiện thực hóa phát thải ròng về 0, trong đó nhấn mạnh các công nghệ liên quan tới năng lượng là cốt lõi.
TS. Tô Kiên - Quy hoạch sư Cao cấp Tập đoàn Eight-Japan Engineering Consultants Inc., (Nhật Bản), kiêm giảng viên cao cấp Đại học UEH (Việt Nam) đã trình bày những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thúc đẩy phát triển các đô thị sinh thái, hướng đến xã hội trung hòa carbon. Những bài học này bao gồm các chính sách và sáng kiến của chính phủ, những mô hình thành phố sinh thái kiểu mẫu, và một số dự án mới nhất do tác giả đồng thực hiện ở vai trò chủ chốt của dự án tại tập đoàn EJEC. Những cột mốc sáng kiến của chính phủ Nhật Bản bắt đầu từ Chương trình Đô thị Sinh thái (1997), Sáng kiến Đô thị Sinh thái Kiểu mẫu (2008), Sáng kiến Đô thị Tương Lai (2011, và sau đó gắn với SDGs từ 2018), và mốc công bố mục tiêu đạt được Net Zero vào năm 2050 (2020). TS. Kiên cũng đã giới thiệu một số mô hình thành phố sinh thái và công nghiệp sinh thái tiêu biểu với quy mô khác nhau như thành phố Yokohama và Musashino, làng Kamikatsu, và đặc biệt là thành phố Kitakyushu. Từ một thành phố công nghiệp bị ô nhiễm nặng, Kitakyushu đã được cải tổ ngoạn mục “từ Xám sang Xanh”, trở thành một hình mẫu nổi tiếng thế giới. TS. Kiên cũng giới thiệu một số dự án mới thực hiện tại Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam: Những công nghệ xanh hiện đại, quản lý rác thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, sử dụng và đa dạng hóa tối đa năng lượng tái tạo sẽ được ứng dụng để hướng tới quay vòng tài nguyên và năng lượng, một phần của nền kinh tế tuần hoàn.
Về công nghệ Hydrogen, TS. Phạm Hùng Cường - Đại học Kyushu (Nhật Bản) đã trao đổi về công nghệ Hydrogen: từ phòng thí nghiệm đến xã hội. TS. Cường cho biết Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược quốc gia về Hydrogen vào năm 2017 với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Bởi vì Hydrogen đã và đang được coi là nguồn năng lượng xanh sạch và tiềm năng trong tương lai để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên liệu hóa thạch. Đến nay, đã có gần 40 quốc gia trên thế giới xây dựng và ban hành chiến lược phát triển quốc gia về Hydrogen. TS. Cường giới thiệu mô hình về Xã hội Hydrogen thu nhỏ, ở đại học Kyushu, đây là một trong những mô hình Xã hội Hydrogen đầu tiên ở Nhật Bản. Đối với Việt Nam, Hydrogen vẫn đang chủ yếu được sản xuất, và sử dụng từ nguồn nguyên, nhiên liệu hóa thạch để phục vụ trong các nhà máy sản xuất phân bón hoặc các nhà máy lọc hóa dầu. Ngoài ra, theo Quy hoạch Điện 8, Chính phủ đã xây dựng mục tiêu sử dụng 5-10 GW điện từ năng lượng tái tạo phục vụ việc sản xuất hydrogen xanh từ nay đến năm 2030. Với tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam có kế hoạch sử dụng rất nhiều Hydrogen cho các nhà máy nhiệt điện, công suất lên đến hàng chục GW.
Các diễn giả cũng đã trình bày nhiều chủ đề khác như: TS. Nguyễn Duy Đỉnh - Đại học Bách Khoa Hà Nội, (Việt Nam) giới thiệu về hệ thống trạm sạc công cộng cho xe điện và các vấn đề liên quan; TS. Nguyễn Thái Hoà - Viện nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) đã giới thiệu kịch bản phát thải ròng bằng “0” cho Việt Nam dựa trên mô hình tích hợp Châu Á - Thái Bình Dương (AIM) được phát triển bởi Viện nghiên cứu Quốc gia về Môi trường, đại học Kyoto, Viện nghiên cứu và thông tin Mizuho và các viện nghiên cứu khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; TS. Phùng Quốc Huy - Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Châu Á - Thái Bình Dương (Nhật Bản) đã trao đổi về công nghệ thu giữ và lưu trữ CO2 hay CCS và tiềm năng áp dụng công nghệ này để khử carbon trong lĩnh vực điện và công nghiệp tại Việt Nam.
Trong phần hỏi đáp, các diễn giả đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu tại hội trường và khán giả qua truyền hình trực tuyến. Nhiều ý kiến đi vào chiều sâu và hướng tới các giải pháp xử lý các khó khăn khi phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, xe điện, trạm sạc, điện rác và thu giữ, lưu trữ CO2.
Tổng kết, phiên thảo luận đã cung cấp góc nhìn đa chiều bao gồm các công nghệ và chính sách cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, kinh nghiệm của Nhật Bản và những hàm ý cho Việt Nam. Nội dung trình bày của các diễn giả là những mảnh ghép quan trọng trong lộ trình tiến đến phát thải ròng bằng “0”.
Nguồn :từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tinKH&CN.quốc gia