Các nhà nghiên cứu tại Đại học Jyväskylä ở Phần Lan đã phát triển một công nghệ cho phép máy tính hiểu được cảm xúc của con người để cải thiện tương tác của trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó, tự điều chỉnh hành vi để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Công nghệ mới trên cơ sở sử dụng các nguyên tắc tâm lý toán học, có thể tăng cường tương tác giữa con người và các công nghệ thông minh, chẳng hạn như hệ thống trí tuệ nhân tạo, bằng cách làm cho chúng trở nên hòa hợp và phản ứng tốt hơn với trạng thái cảm xúc của người dùng.
Theo Jussi Jokinen, Phó Giáo sư Khoa học nhận thức và là đồng tác giả nghiên cứu, mô hình này có thể được máy tính sử dụng trong tương lai để dự đoán cảm xúc của con người như tâm trạng khó chịu hoặc lo lắng. Trong những tình huống như vậy, máy tính có thể cung cấp cho người dùng các hướng dẫn bổ sung hoặc chuyển hướng tương tác.
Trong tương tác hàng ngày với máy tính, người dùng thường trải qua những cung bậc cảm xúc như vui vẻ, khó chịu và buồn chán. Bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo, các công nghệ hiện tại thường không ghi nhận được những cảm xúc này của người dùng. Mô hình mới được phát triển, hiện có thể dự đoán cảm giác hạnh phúc, buồn chán, cáu kỉnh, giận dữ, tuyệt vọng và lo lắng của người dùng.
Jokinen giải thích: “Con người diễn giải và phản ứng với cảm xúc của người khác một cách tự nhiên, một khả năng mà về cơ bản máy móc không có được. Sự khác biệt này có thể khiến tương tác với máy tính trở nên khó chịu, đặc biệt nếu máy vẫn không nhận biết được trạng thái cảm xúc của người dùng”. Vì thế, nghiên cứu do Jokinen dẫn đầu, đã sử dụng tâm lý học toán học để tìm giải pháp cho vấn đề sai lệch giữa hệ thống máy tính thông minh và người dùng. Mô hình được tích hợp vào các hệ thống AI, mang lại cho máy móc khả năng hiểu được tâm lý cảm xúc và sẽ có mối quan hệ tốt hơn với người dùng.
Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ khám phá những ứng dụng tiềm năng của công nghệ mới nhận diện cảm xúc. Jokinen gợi ý: “Với mô hình của chúng tôi, máy tính dự đoán trước được sự đau khổ của người dùng và cố gắng giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực. Cách tiếp cận chủ động này có thể được sử dụng trong nhiều môi trường khác nhau, từ văn phòng đến nền tảng truyền thông xã hội, cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách kiểm soát cảm xúc một cách nhạy bén”.
Nguồn:từ trang web:gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia