Các nhà khoa học Anh đã áp dụng công nghệ nano để tạo ra giàn khung 3D nhằm phát triển các tế bào từ võng mạc, mở đường cho những liệu pháp tiềm năng điều trị nguyên nhân phổ biến gây mù lòa.

 

Nhóm nghiên cứu do GS. Barbara Pierscionek tại Đại học Anglia Ruskin (ARU) ở Anh dẫn đầu, đã phát triển thành công các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) khỏe mạnh và tồn tại trong tối đa 150 ngày. Các tế bào RPE nằm ngay bên ngoài lớp thần kinh của võng mạc và khi bị tổn thương, có thể khiến thị lực suy giảm.

Đây là lần đầu tiên công nghệ “quay điện” được sử dụng để tạo ra giàn khung cho các tế bào RPE phát triển và có thể cách mạng hóa việc điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, một trong những bệnh về thị lực phổ biến nhất trên thế giới.

Khi giàn khung được điều trị bằng một loại steroid gọi là fluocinolone acetonide có tác dụng chống viêm, khả năng phục hồi của các tế bào dường như tăng lên, thúc đẩy sự phát triển của các tế bào mắt. Những phát hiện này rất quan trọng đối với việc phát triển mô mắt trong tương lai để cấy ghép vào mắt bệnh nhân.

Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại các nước phát triển và theo dự báo sẽ tăng trong những năm tới do dân số già hóa. Nghiên cứu gần đây dự đoán 77 triệu người chỉ riêng ở châu Âu sẽ mắc một số dạng AMD vào năm 2050. Nguyên nhân gây ra bệnh AMD có thể do những thay đổi trong màng Bruch hỗ trợ tế bào RPE và sự phá vỡ choriocapillaris, lớp mạch máu tiếp giáp với phía mặt kia của màng Bruch.

Tại các nước phương Tây, nguyên nhân phổ biến nhất khiến thị lực suy giảm là do sự tích tụ của các chất lắng đọng lipid gọi là drusen và sau đó là sự thoái hóa của RPE, choriocapillaris và võng mạc bên ngoài. Tại các nước đang phát triển, AMD có xu hướng gây ra bởi sự phát triển bất thường của mạch máu trong màng đệm và sự di chuyển sau đó của chúng vào các tế bào RPE, dẫn đến xuất huyết, bong RPE hoặc võng mạc và hình thành sẹo.

Thay thế các tế bào RPE là một trong những lựa chọn triển vọng để điều trị hiệu quả các bệnh về thị lực như AMD và các nhà khoa học đang nghiên cứu những phương pháp hiệu quả để cấy các tế bào này vào mắt.

GS. Barbara Pierscionek tại Đại học Anglia Ruskin (ARU) và là trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: "Nghiên cứu này lần đầu tiên chứng minh giàn khung bằng sợi nano được xử lý bằng chất chống viêm như fluocinolone acetonide, có thể tăng cường khả năng phát triển, biệt hóa và chức năng của các tế bào RPE. Trước đây, các nhà khoa học đã nuôi cấy tế bào trên một bề mặt phẳng, không liên quan về mặt sinh học. Sử dụng những kỹ thuật mới, dòng tế bào đã được chứng minh là phát triển mạnh trong môi trường 3D do giàn khung tạo ra. Hệ thống này có tiềm năng lớn để phát triển thay thế màng Bruch, cung cấp chất hỗ trợ tổng hợp, không độc hại, ổn định sinh học để cấy ghép các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc. Những thay đổi bệnh lý trong màng này đã được xác định là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt như AMD, do vậy, đây là bước đột phá thú vị có thể giúp ích cho hàng triệu người trên toàn thế giới"

Nguồn:Từ trang web.vista .gov.vn của cục thông tin KH&CN quốc gia