Nhằm giúp việc phân loại hành lý ở sân bay diễn ra một cách tự động, nhóm sinh viên đã thực hiện thành công mô hình “Hệ thống băng chuyền phân loại hành lý sân bay sử dụng RFID”.
Mô hình được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Logistics đánh giá cao vì mang tính ứng dụng cao, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, nhân sự, đặc biệt là đóng góp vào việc phát triển ngành hàng không ở nước ta.
Tiết kiệm thời gian, nhân lực
Có nhiều cơ hội đi máy bay nên các bạn trẻ nhận thấy rằng, việc phân loại hành lý đầu vào tại sân bay ở nước ta đang thực hiện một cách bán tự động, sử dụng barcode (mã vạch) và máy quét là chủ yếu. Do đó, cần phải có nhân viên cân và phân loại hành lý trước khi lên máy bay. Việc này không chỉ gây mất thời gian, tốn nguồn nhân lực mà đôi lúc còn xảy ra những sự cố như: làm hư hỏng, nhầm, thất lạc hành lý của hành khách…
Nhận thấy được bất cập đó, nhóm sinh viên năm nhất Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã nghiên cứu “Hệ thống băng chuyền phân loại hành lý sân bay sử dụng RFID”. Hệ thống nhằm tạo thuận tiện cho hành khách lẫn các hãng hàng không khi cân và phân loại hành lý trước khi lên máy bay.
Các thành viên chụp hình cùng thầy hướng dẫn tại buổi trưng bày và đánh giá mô hình do bộ môn Logicstics, Khoa Kỹ thuật - Công nghệ - Mĩ thuật trong trường tổ chức
Theo bạn Đặng Chí Cường, RFID là một loại thẻ gắn chíp và anten. Thẻ RFID có thể thay thế cho các mã vạch trên các sản phẩm có bán tại các siêu thị bán lẻ. Thay vì phải đưa thiết bị vào sát mã vạch để quét, RFID cho phép thông tin có thể được truyền qua những khoảng cách nhỏ mà không cần một tiếp xúc vật lý nào cả.
Khi áp dụng “Hệ thống băng chuyền phân loại hành lý sân bay sử dụng RFID”, hệ thống cân sẽ cân và trả kết quả ra màn hình LCD. Nếu khối lượng không nằm trong ngưỡng cho phép thì hệ thống sẽ thông báo rằng “hành lý không hợp lệ”, hành lý không được đưa xuống băng chuyền.
Mô hình Hệ thống băng chuyền phân loại hành lý sân bay sử dụng RFID
Nếu khối lượng nằm trong ngưỡng cho phép thì động cơ bước sẽ gạt hành lý xuống băng chuyền. Tại đầu băng chuyền sẽ có gắn đầu đọc RFID. Hành lý hợp lệ mang mã RFID phù hợp sẽ thông báo cho hệ thống hiển thị mã cổng lên màn hình LCD (A, B, hoặc C) và tiến hành phân loại tương ứng.
Tránh tụ tập đông người
Quy trình cân và phân loại hành lý bằng thẻ RFID diễn ra nhanh chóng, chính xác. Cụ thể, đối với hành lý mang mã của cổng B thì sau khi nhận được mã RFID ngay lập tức động cơ bước sẽ tiến hành quay và gạt hành lý xuống đúng ngay cổng B.
Còn hành lý mang mã của cổng A thì sau khi đọc mã xong sẽ đưa về bộ xử lý để lưu thông tin, khi hành lý đến gần cổng A thì cảm biến sẽ tiến hành nhận diện vật cản và thông báo về bộ xử lý để tiến hành cho động cơ bước quay và gạt hành lý xuống cổng A.
Riêng hành lý mang mã của cổng C thì sau khi đọc mã xong bộ xử lý sẽ tiến hành cho động cơ bước và cảm biến ngưng hoạt động để hàng có thể thuận tiện đi đến cổng C ở cuối băng chuyền…
Khi thử nghiệm, quy trình cân và phân loại hành lý bằng thẻ RFID diễn ra nhanh chóng, chính xác
“Hệ thống này đảm bảo không xảy ra tình trạng hư hỏng, nhầm lẫn hay thất lạc hành lý của khách. Hệ thống này không cần nhiều nhân viên trực, hay hành khách phải chờ đợi cân hành lý mà hành khách chỉ cần đưa hành lý vào rồi ra cổng đợi nhận lại là được. Do đó tránh được tình trạng tụ tập đông người và hạn chế các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như Covid-19…” - một thành viên khẳng định.
Theo các thành viên, dù đã thực hiện thành công mô hình nhưng vẫn còn một số hạn chế như tốc độ xử lí khá chậm, chưa mô phỏng được yếu tố ngẫu nhiên ngoài thực tế, đồng thời tính thẩm mỹ chưa cao.
Tuy nhiên, so với việc quét mã vạch và máy quét như ở các sân bay hiện nay thì quy trình thực hiện cân và phân loại hành lý nhanh hơn, có thể xử lý hàng chục thẻ RFID trong một giây. “Về mức độ bảo mật, dùng mã vạch thực sự đơn giản và có thể dễ dàng sao chép hoặc giả mạo trong khi RFID là duy nhất và khó có thể sao chép với công nghệ hiện nay”, Cường phân tích.
Các thành viên giới thiệu mô hình đến với các thầy cô, chuyên gia trong ngành
Không chỉ vậy, độ bền của thẻ RFID cũng cao hơn mã vạch do các mạch của RFID được thiết kế bao bọc bởi một lớp vật liệu bên ngoài, còn mã vạch thì phải dán trực tiếp trên bề mặt sản phẩm do đó dễ bị xước, nhèo hoặc rách.
Bạn Đặng Thị Thanh Ngân, trưởng nhóm, cho biết trong quá trình thực hiện nhóm gặp không ít khó khăn, tuy nhiên nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, sự đoàn kết và quyết tâm của các thành viên trong nhóm, cuối cùng sản phẩm cũng đã hoàn thiện. Sắp tới các thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp để hệ thống hoạt động tốt hơn để đưa vào ứng dụng thực tế.
Nguồn: khampha.vn