Các Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương có nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ thông qua việc cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ ở địa phương, tài trợ toàn bộ hoặc một phần, cho vay với lãi suất thấp và bảo lãnh vốn vay. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của quỹ khó khăn, hiệu quả mang lại rất khiêm tốn.

 

Khó tiếp cận nguồn vốn

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay, cả nước có 35/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Tuy nhiên, có ba tỉnh, thành phố đã giải thể hoạt động của Quỹ là: Đà Nẵng, Kiên Giang và Trà Vinh vì hoạt động không hiệu quả. Các quỹ còn lại gặp nhiều vướng mắc về cơ chế.

Đại diện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Hà Tĩnh cho biết, mặc dù Quỹ có tư cách pháp nhân, sử dụng con dấu riêng để giao dịch, nhưng bộ máy điều hành và quản lý vẫn chưa được kiện toàn, lực lượng cán bộ đều kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn về nghiệp vụ tài chính. Để thực hiện một quy trình hỗ trợ đầu tư vốn cho một dự án khoa học-công nghệ thì cần thẩm định kỹ lưỡng và giám sát, theo dõi trong suốt quá trình triển khai. Quỹ hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách cấp khi thành lập, còn việc vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vốn cho Quỹ chưa được thực hiện. Vì những khó khăn đó, hiện Quỹ tạm dừng các hoạt động.

Hầu hết các địa phương có nguồn vốn cấp ban đầu cho Quỹ hạn chế, khoảng từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng, do đó không đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các dự án. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa cho biết, định suất cho vay tối đa chỉ khoảng 500 triệu đồng, lãi suất lại cao hơn so với các chương trình hỗ trợ khác của Nhà nước, do đó, doanh nghiệp chưa mặn mà vay. Do nguyên tắc quỹ phải bảo toàn vốn, yêu cầu doanh nghiệp phải thế chấp tài sản, khiến doanh nghiệp ngại các thủ tục vay vốn từ Quỹ. 

Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố Đà Nẵng trước khi giải thể cũng mới chỉ thực hiện được chức năng tài trợ. Vì không được bổ sung ngân sách đối với phần kinh phí đã thực hiện, cho nên hoạt động tài trợ cũng không tiếp tục được lâu dài. Các hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay và hỗ trợ chưa triển khai được.

Theo các chuyên gia, các khó khăn nêu trên đều do cơ chế chưa phù hợp. Do vốn cấp lần đầu cho Quỹ quy mô hạn chế, chỉ tài trợ cho một số đề tài trong 1-2 năm đầu là quỹ đã cạn nguồn vốn. Trong khi quy định yêu cầu quỹ phải bảo toàn vốn khiến không đơn vị nào dám tài trợ. Các hoạt động cho vay, bảo lãnh vốn vay, huy động vốn ngoài ngân sách là những việc vượt quá chuyên môn của các cán bộ kiêm nhiệm của Quỹ. 

Hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp thì các quỹ cũng không dám triển khai vì độ rủi ro của thị trường dẫn đến nhiều đề tài, dự án không đi đến kết quả. Việc huy động vốn ngoài ngân sách để bổ sung vốn cho quỹ không khả thi trên thực tế. 

Theo quy định, doanh nghiệp Nhà nước phải trích ít nhất 3% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, nếu không sử dụng hết thì đóng vào Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương, thế nhưng hầu hết không thực hiện và không có chế tài bắt buộc; với doanh nghiệp tư nhân càng khó huy động nguồn vốn của họ. 

Cần mô hình hoạt động phù hợp

Nhiều ý kiến cho rằng, cần tháo gỡ những bất cập hiện nay để duy trì qũy vì nhu cầu cần vay vốn, nhận tài trợ của doanh nghiệp rất lớn, nhất là phục vụ cho việc đổi mới công nghệ. Đại diện Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh (Hadiphar) cho biết, với đặc thù của doanh nghiệp sản xuất dược liệu và đóng chân trên địa bàn còn khó khăn, năng lực sản xuất, cạnh tranh của đơn vị có khoảng cách nhất định so với các doanh nghiệp sản xuất cùng lĩnh vực ở các trung tâm kinh tế lớn. 

Hadiphar đã nhiều lần kiến nghị, mong muốn tiếp cận với nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh, nhưng gần 10 năm qua, đơn vị vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Nguyên nhân do quy trình, thủ tục rườm rà, nguồn vốn cho vay nhỏ, việc thẩm định năng lực sản xuất, hiệu quả của nguồn vốn vay chưa được triển khai toàn diện. Doanh nghiệp vay vốn cần thủ tục nhanh, Nhà nước cần sửa đổi cơ chế cho vay của quỹ để đầu tư cho doanh nghiệp đúng lúc.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, để duy trì quỹ, cần điều chỉnh để tương thích về cách thức quản lý quỹ giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Khoa học và Công nghệ. Không nên coi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương là quỹ tài chính ngoài ngân sách, mà ngân sách phải là nguồn vốn chính, không chỉ cấp vốn ban đầu mà hằng năm cần bổ sung. 

Luật Khoa học và Công nghệ đã có phương thức để giải quyết bất cập này. Đó là hằng năm kinh phí dành cho các đề tài nghiên cứu ở địa phương sẽ được chuyển vào quỹ để quỹ có nguồn vốn, thay vì ngân sách cấp phát trực tiếp cho đơn vị chủ trì nghiên cứu như hiện nay. 

Khi quỹ cấp phát kinh phí cho các đề tài thì ngành khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ kịp thời các đề tài, dự án và sẽ theo dõi được hoạt động một cách hiệu quả. Cần có chế tài để các doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi quản lý của địa phương có nghĩa vụ chuyển kinh phí vào quỹ theo quy định. 

Về tổ chức bộ máy, cần giao trực tiếp quản lý quỹ cho Sở Khoa học và Công nghệ. Các hoạt động cho vay cần ủy thác cho ngân hàng thương mại hỗ trợ, bảo lãnh vốn vay cần nhờ tổ chức tín dụng hỗ trợ, còn Quỹ tập trung vào hoạt động tài trợ. Quỹ phải tạo ra nguồn thu, có lợi nhuận để bảo đảm chi thường xuyên.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong khi quy định cụ thể về cơ chế tài chính, mô hình hoạt động của Quỹ ngoài ngân sách chưa được ban hành, mô hình hoạt động thích hợp đối với quỹ của tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay là Quỹ Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội. Quỹ này hiện được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ủy thác cho Quỹ đầu tư và phát triển thành phố Hà Nội quản lý nguồn vốn, hoạt động cho vay và bảo lãnh vốn vay. Đối với hoạt động tài trợ và hỗ trợ của Quỹ được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.