Hàng triệu người trên thế giới đeo kính áp tròng, kể cả những loại có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, kính áp tròng bằng nhựa không tồn tại mãi mãi và cần được thay thế sau vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc đã đưa ra phương pháp phân tích các mảnh vụn nhỏ trong các mẫu kính áp tròng và phát hiện ra rằng kính áp tròng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời theo thời gian có thể khiến cho các mảnh nhựa nhỏ tách ra, dù tác động đến sức khỏe chưa rõ ràng.

 

Mặc dù các nhà khoa học vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu tác động đến sức khỏe và môi trường của hạt vi nhựa, nhưng điều quan trọng là phải hiểu chúng xuất hiện ở đâu và chúng có thể tác động đến những hệ thống nào. Khi đo lường ô nhiễm vi nhựa dưới nước, các nhà nghiên cứu thường lọc các mảnh nhựa từ khối lượng lớn nước được lấy mẫu. Sau đó, họ sử dụng kính hiển vi và đếm các mảnh vỡ theo cách thủ công. Phương pháp này chậm và không nhất quán. Nhiều giải pháp thay thế tự động đã được phát triển, nhưng mất nhiều thời gian. Vì vậy, nhóm nghiên cứu Trung Quốc mong muốn đưa ra một phương pháp tự động để nhanh chóng phát hiện và đếm các hạt vi nhựa trong các mẫu nhỏ như kính áp tròng.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập sáu loại kính áp tròng từ nhiều nhãn hiệu và có tuổi thọ khác nhau. Để mô phỏng quá trình mài mòn và chăm sóc thông thường, kính áp tròng được bảo quản trong nước, dưới ánh đèn mô phỏng ánh nắng mặt trời và được rửa sạch bằng nước ba lần cứ sau 10 giờ. Sau 30 hoặc 90 ngày, nước chứa mỗi thấu kính đã được phân tích. Để xác định số lượng hạt vi nhựa trong các mẫu nhỏ, các nhà nghiên cứu đã thiết kế một hệ thống tự động chụp ảnh siêu nhỏ các mẫu nước, xử lý những hình ảnh đó và định lượng sự xuất hiện của hạt vi nhựa.

Trong các thử nghiệm với lượng vi nhựa tiêu chuẩn, nhóm nghiên cứu nhận thấy các phân tích của hệ thống mới diễn ra nhanh hơn và cho kết quả chính xác hơn so với khi phân tích các mẫu bằng phương pháp thủ công. Trong trường hợp không có ánh nắng mặt trời mô phỏng, không có hạt vi nhựa nào được phát hiện. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy số lượng hạt vi nhựa ngày càng tăng khi kính áp tròng được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong 90 ngày. Kính áp tròng có tuổi thọ ngắn hơn có lượng hạt vi nhựa rơi ra nhiều nhất sau thời gian tiếp xúc này. Dựa trên dữ liệu trong nghiên cứu quy mô nhỏ, các nhà khoa học ước tính hơn 90.000 hạt vi nhựa mỗi năm có thể rơi ra từ một số thấu kính nếu đeo 10 giờ mỗi ngày. Tác động đến mắt khi con người tiếp xúc trực tiếp với vi hạt nhựa do đeo kính áp tròng vẫn chưa được biết đến và cần thêm nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này.