Gần đây, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực đã quan tâm nhiều hơn đến đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là sự trỗi dậy của công nghệ số. Những thành tựu nổi bật của các chủ thể thuộc khu vực tư nhân trong thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), dịch vụ đi chung xe và cung cấp dịch vụ có sự hỗ trợ của ứng dụng di động đã thu hút được mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông cũng như người dân. Việc hiện thực hóa triển vọng hứa hẹn về mặt kinh tế của ĐMST sẽ đòi hỏi nhiều doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế khu vực tham gia vào các hoạt động ĐMST.
Một số thành công quan trọng liên quan tới ĐMST
Mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu của khu vực đã cho phép hầu hết các quốc gia tham gia vào các hình thức thương mại về công nghiệp chế biến, chế tạo phức hợp hơn theo thời gian. Mặc dù sự tham gia của khu vực vào loại hình thương mại này chủ yếu bắt đầu bằng các linh kiện và hoạt động lắp ráp ít phức tạp, nhưng các biện pháp này phản ánh sự gia tăng áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất toàn cầu theo thời gian thông qua FDI, thành lập các liên doanh, tham gia vào thương mại và GVC. Xét tổng thể, hàm lượng nội địa của hàng điện tử xuất khẩu đã tăng đáng kể ở Malaixia và Thái Lan, và hàm lượng nội địa của máy móc công nghiệp ở Inđônêxia và Philippin cũng tăng đáng kể, có thể là một kết quả của FDI đầu tư vào sản xuất trong nước và sự tham gia của các nhà cung cấp trong nước. Các hình thức tham gia quốc tế này đã đặt ra những các cơ hội quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ và phổ biến kiến thức trong nửa thế kỷ qua.
Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đạt mức thấp ở một số chỉ số chính về ĐMST
Mặc dù có những hứa hẹn to lớn về ĐMST trong khu vực và một số thành công nổi bật, nhưng phân tích về một loạt các chỉ số ĐMST chính lại cho thấy rằng các quốc gia đang phát triển trong khu vực vẫn phải đối mặt với những thách thức quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào ĐMST. Hầu hết các quốc gia này chưa đạt mức kỳ vọng ở chỉ số ĐMST trên cả hai khía cạnh: phổ biến (áp dụng các công nghệ hiện có) và khám phá (sự phát minh, sáng chế ra các sản phẩm, quy trình và công nghệ mới).
Một đầu vào quan trọng cho các hình thức ĐMST cơ bản hơn, chẳng hạn như nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình, là chứng nhận quốc tế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước khác. Chứng nhận quốc tế được cho là đóng góp vào năng suất cấp doanh nghiệp ở một số quốc gia có thu nhập trung bình, bao gồm Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia đang phát triển trong khu vực đều đạt mức thấp hơn so với mức kỳ vọng về chứng nhận quốc tế.
Chậm trễ trong áp dụng công nghệ và khác nhau về cường độ sử dụng công nghê
Mặc dù sự tham gia của các quốc gia vào chuỗi giá trị công nghệ cao ngày càng tăng nhưng công nghệ mới dường như không thâm nhập sâu vào quá trình phát triển các nền kinh tế trong khu vực như tiềm năng. Phân tích số liệu Áp dụng Công nghệ xuyên quốc gia về việc áp dụng và sử dụng các công nghệ chủ yếu nói chung chỉ ra rằng độ trễ trong việc áp dụng công nghệ ở các nước đang phát triển ở khu vực - nghĩa là khoảng thời gian từ khi một công nghệ mới được cho ra mắt cho đến khi nó được áp dụng lần đầu - đã giảm đi theo thời gian. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa các nước thu nhập trung bình ở Đông Nam Á và các nước OECD về “cường độ sử dụng” các công nghệ mới - tức là mức độ sử dụng rộng rãi các công nghệ mới - đã tăng lên theo thời gian.
Tính không đồng nhất về năng lực ĐMST ở các quốc gia, lĩnh vực và doanh nghiệp
Điều quan trọng nhất đối với kết quả thực tế về tăng trưởng và năng suất của một quốc gia là tốc độ lan tỏa công nghệ và ĐMST trong các doanh nghiệp ở quốc gia đó. Nếu không có sự lan tỏa tích cực từ các lĩnh vực đạt hiệu quả tốt tới các lĩnh vực còn lại của nền kinh tế thì mức độ đóng góp của ĐMST vào tăng trưởng chung sẽ bị hạn chế. Trong nội bộ các lĩnh vực, sự phân hóa về năng suất và công nghệ giữa các doanh nghiệp dẫn đầu và các doanh nghiệp bị tụt lại phía sau ở các nước đang phát triển trong khu vực phản ánh tốc độ lan tỏa chậm của công nghệ.
Các quốc gia trong khu vực có khác biệt đáng kể về kết quả ĐMST thực tế
Các thước đo về ĐMST cấp doanh nghiệp, dựa trên dữ liệu Khảo sát Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới, cho thấy sự không đồng nhất đáng kể về kết quả thực tế ở các quốc gia trong khu vực. Các doanh nghiệp ở Inđônêxia, Lào, Myanma và Thái Lan báo cáo rằng hoạt động ĐMST của họ còn ở mức hạn chế; chưa tới một nửa trong tổng số các doanh nghiệp tại các nước đó chỉ ra rằng họ có tham gia vào hoạt động liên quan đến ĐMST dưới một hình thức nào đó. Chưa đến 15% doa nh nghiệp ở Myanma và Thái Lan báo cáo có sự đổi mới về sản phẩm hoặc dịch vụ và chỉ 5% sử dụng công nghệ được các công ty nước ngoài cấp phép.
Chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động ĐMST ở mức độ tinh xảo cao hơn như nghiên cứu và phát triển (NC&PT)
Tương tự, có sự không đồng nhất ở mức đáng kể giữa các doanh nghiệp về hình thức ĐMST ở cấp độ tinh xảo hơn mà có thể dẫn đến sáng chế ở tuyến đầu công nghệ, như được thể hiện qua mức độ tập trung cao trong đầu tư vào NC&PT của các doanh nghiệp. Sự phân bố cường độ NC&PT (được đo bằng chi phí NC&PT trên mỗi nhân viên làm việc toàn thời gian) ở hầu hết các nước trong khu vực vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức của Ixraen trong nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới.