Trong những năm gần đây, xu hướng trở về với thiên nhiên ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Giảo cổ lam từ lâu đã là một vị thuốc quý được người dân ở nhiều nước châu Á trên thế giới sử dụng để nâng cao sức khỏe và tuổi thọ. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra những tác dụng sinh học của Giảo cổ lam như tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan, tác dụng hạ đường huyết, tác dụng hạ cholesterol, tác dụng bảo vệ tim mạch, chống stress…

 

Ở Việt Nam, các chế phẩm Giảo cổ lam ngày càng được người dân sử dụng rộng rãi để chăm sóc sức khỏe. Những tác dụng sinh học của Giảo cổ lam được cho là tác dụng của các gypenosid (các saponin trong Giảo cổ lam). Hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã sản xuất và đưa ra thị trường các chế phẩm chứa Giảo cổ lam dạng viên nang cứng với các công dụng hạ đường huyết, hạ cholesterol. Chè dây (Ampelopsis cantoniensis Planch.) là loại cây xanh tốt quanh năm có ở nhiều nơi tại Việt Nam như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Uông Bí, Bắc Thái, Hà Tây, Ninh Bình và một số nước như Lào, Trung Quốc, Indonesia. Phạm Thanh Kỳ và cộng sự phát hiện trong lá Chè dây tại Cao Bằng có flavonoid (18-19 %), tanin (10,82-13,30 %) và đường. Từ lá Chè dây đã phân lập được 2 flavonoid tinh khiết là myricetin (chiếm khoảng 5,32 %) và dihydromyricetin (chiếm khoảng 52,83 %). Các nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy flavonoid của Chè dây có hoạt tính chống oxy hoá và ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn, điều trị có hiệu quả bỏng, điều trị tốt với bệnh nhân loét dạ dày-tá tràng, ức chế sự đột biến gen gây ra do một số tác nhân độc hại. Tuy nhiên một hướng nghiên cứu khác rất đáng chú ý là polyphenol hạn chế rối loạn chuyển hoá lipit và vữa xơ động mạch ở thỏ uống cholesterol. Kết quả cho thấy Chè dây có tác dụng giảm triglycerit, cholesterol toàn phần, LDL-C và tăng HDLC trong huyết thanh, giảm tổn thương xơ vữa động mạch chủ. Liều bắt đầu có tác dụng của polyphenol Chè dây là 100 mg/kg/ngày và thể hiện rõ nhất với liều 150 mg/kg/ngày trên chuột thực nghiệm. Nhu cầu sử dụng thuốc từ dược liệu đang ngày càng phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, đặc biệt trong các bệnh lý mãn tính như tăng cholesterol máu.

Nhằm tạo ra thuốc chất lượng cao từ dược liệu điều trị chứng tăng cholesterol máu, trên cơ sở phát triển kết quả nghiên cứu của một số đề tài nghiên cứu khoa học công phu, bài bản từ nhiều năm nay, GS.TS. Phạm Thanh Kỳ đã nghiên cứu phối hợp 2 thành phần cao Giảo cổ lam và cao Chè dây tạo ra sản phẩm Gylopsin. Kết quả đánh giá hiệu quả lâm sàng của sản phẩm đã được Cục Quản lý Dược xem xét, cấp số đăng ký lưu hành dưới dạng thuốc với chỉ định hạ cholesterol máu. Kết quả nghiên cứu của GS.TS. Phạm Thanh Kỳ về sản phẩm phối hợp hai thành phần Giảo cổ lam và Chè dây đã được cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 790 cho "Dược phẩm dùng để điều trị chứng tăng Cholesterol trong máu" theo Quyết định số 17446/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ ngày 14/8/2009. GS.TS. Phạm Thanh Kỳ cũng đã đồng ý chuyển quyền sử dụng Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích này cho Tổ chức đăng ký chủ trì dự án là Công ty cổ phần Khoa học công nghệ Đông Á (Giấy chứng nhận Đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp số: 2555/ĐKHĐSD ngày 31/12/2013 của Cục Sở hữu trí tuệ) và sẽ tham gia chỉ đạo việc triển khai Dự án.

Vì các lý do trên, nhóm thực hiện dự án của Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Đông Á do bà Lê Minh Nguyệt làm chủ nhiệm đã thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình công nghệ chiết tách cao định chuẩn Giảo cổ lam và sản xuất thuốc Gylopsin phối hợp cao Giảo cổ lam và Chè dây” với hai mục tiêu hoàn thiện được quy trình công nghệ chiết xuất cao Giảo cổ lam chứa 70 % gypenosid ở quy mô 300 kg dược liệu/mẻ và hoàn thiện được quy trình sản xuất thuốc dạng viên nang cứng phối hợp cao Giảo cổ lam và cao Chè dây ở quy mô 1 triệu viên/lô.

Sau thời gian triển khai thực hiện, dự án về cơ bản đã hoàn thiện được các nội dung, sản phẩm phù hợp với mục tiêu đặt ra, cụ thể như sau:

1. Hoàn thiện được quy trình công nghệ chiết xuất và tách tinh chế cao định chuẩn Giảo cổ lam ở quy mô 300 kg dược liệu/mẻ

Quy trình được hoàn thiện và ban hành để ứng dụng vào sản xuất gồm 2 giai đoạn chính:

a) Quy trình chiết xuất cao thô Giảo cổ lam

Đã nghiên cứu và xây dựng quy trình chiết xuất quy mô công nghiệp 300 kg/mẻ như sau:

- Xay dược liệu, kiểm soát kích thước qua rây 2 mm. Làm ẩm dược liệu bằng ethanol 70 %.

- Cho bột dược liệu được đã làm ẩm vào bình chiết, chiết hồi lưu trong 4 giờ vởi tỉ lệ dược liệu/dung môi là 1/5, rút ra lấy dịch chiết 1, cho dung môi vào chiết tiếp lần 2 và lần 3. Rút dịch chiết. Dịch chiết lần 3 dùng để chiết lần 1 cho mẻ sau.

- Gộp dịch chiết 2 lần, để lắng trong khoảng 4 giờ, sau đó gạn, lọc cắn qua 2 lần vải 25 micron. Kiểm tra độ trong của dịch lọc.

- Cô ngoại tuần hoàn 9-10 giờ để thu cao 1/1. Cô chân không 10-12 giờ thu cao lỏng độ ẩm dưới 30 %. - Sấy cao đặc ở nhiệt độ 50-60 °C trong tủ chân không 50-60 giờ để thu được cao khô. Độ ẩm dưới 5 %.

 - Để nguội và xay cao khô thành bột mịn qua cỡ rây 0,5 mm.

b) Quy trình tách và tinh chế cao định chuẩn gypenosid từ Giảo cổ lam

Đã nghiên cứu và xây dựng được quy trình tinh chế quy mô 300 kg từ cao toàn phần bằng nhựa D101 và nhựa AB8 như sau:

- Tinh chế bằng nhựa D101: nồng độ dịch ban đầu 3 mg/ml, thể tích dịch hấp phụ 15 BV, tốc độ hấp phụ 1 BV/h, thể tích dịch rửa giải tạp: 6 BV nước tinh khiết, 7 BV EtOH 20 %, thể tích dịch rửa giải gypenosid 7 BV, tốc độ rửa giải 1 BV/h.

- Tinh chế bằng nhựa AB8: nồng độ dịch ban đầu 5 mg/ml, thể tích dịch hấp phụ 3 BV, tốc độ hấp phụ 0,5 BV/h, thể tích dịch rửa giải 5 BV, tốc độ rửa giải 0,5 BV/h.

2. Hoàn thiện quy trình sản xuất viên nang cứng phối hợp cao định chuẩn Giảo cổ lam và cao Chè dây ở quy mô 1 triệu viên/lô

Đã nghiên cứu và xây dựng được quy trình sản xuất viên nang cứng Gylopsin gồm các bước (1) Chuẩn bị nguyên liệu; (2) Pha chế; (3) Đóng nang và (4) Đóng lọ, đóng bao bì cấp 2.

Quy trình đã được ứng dụng để tiến hành sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa.

3. Nâng cấp tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu và thành phẩm

 Các nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm ở từng giai đoạn đã được bổ sung, nâng cấp tiêu chuẩn cơ sở trong đó chú trọng đến các chỉ tiêu định lượng bằng các phương pháp hiện đại nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các tiêu chuẩn đã được áp dụng trong thực tế để giám sát quá trình sản xuất cũng như đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng.

4. Đánh giá độ ổn định của cao định chuẩn và viên nang cứng phối hợp cao định chuẩn Giảo cổ lam và cao Chè dây

- Đã tiến hành nghiên cứu về độ ổn định của cao định chuẩn Giảo cổ lam trên 5 chỉ tiêu: cảm quan, mất khối lượng do làm khô, định tính, định lượng, độ nhiễm khuẩn.

- Đã tiến hành nghiên cứu về độ ổn định của viên nang Gylopsin trên các chỉ tiêu: tính chất, độ đồng đều khối lượng, độ rã, mất khối lượng do làm khô, định tính, định lượng, giới hạn nhiễm khuẩn. Trong phạm vi thời gian thực hiện dự án, 2 sản phẩm cao định chuẩn và viên nang cứng đã được theo dõi độ ổn định trong điều kiện thường tới 18 tháng. Kết quả theo dõi trong điều kiện lão hóa cấp tốc tới 12 tháng cho thấy chất lượng sản phẩm vẫn đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở nên kỳ vọng sẽ đáp ứng được hạn dùng 36 tháng. Tuy vậy, dự án vẫn sẽ tiếp tục theo dõi chất lượng sản phẩm ở điều kiện thực tới 36 tháng để bổ sung dữ liệu độ ổn định của sản phẩm cho cơ quan quản lý theo quy định.

5. Sản xuất thử nghiệm cao định chuẩn Giảo cổ lam và viên nang cứng phối hợp cao định chuẩn Giảo cổ lam và cao Chè dây

 Các kết quả nghiêm cứu đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất tạo ra sản phẩm bước đầu phục vụ thị trường. Tuy nhiên, do các lý do khách quan như thị trường tiêu thụ sản phẩm mới còn chậm, các quy định quản lý mới phát sinh của ngành trong thời gian thực hiện dự án ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nên số lượng sản phẩm sản xuất được của dự án còn một số hạn chế. Tổ chức chủ trì cam kết sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm có sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu đặt ra của dự án.

Tổ chức chủ trì kiến nghị cơ quan quản lý đánh giá nghiệm thu dự án phù hợp với các kết quả đã đạt được cũng như tình hình thực tế diễn ra trong quá trình triển khai dự án. Cam kết sẽ tiếp tục ứng dụng các kết quả thu được của dự án vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17018/2020) tại Cục Thông tin khoa học và kông nghệ quốc gia.