Dừa (Cocos nucifera L.) là cây trồng có ý nghĩa về kinh tế, xã hội và sinh thái, là một trong các cây lấy dầu quan trọng nhất thế giới, có khả năng thích nghi cao với nhiều vùng đất khác nhau. Ngoài việc ly trích dầu từ cơm dừa, các phần phụ khác từ cây dừa cũng được sử dụng để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thương mại cao. Đề tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống dừa Sáp (Makapuno coconut) bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi trên quy mô công nghiệp” do nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Bích Hồng tại Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Nông nghiệp Anh Đào thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020, dựa trên nhu cầu cấp thiết của thị trường về giống cây dừa Sáp nuôi cấy cứu phôi có năng suất, chất lượng cao với quy trình được hoàn thiện từ khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến giai đoạn thích nghi, sinh trưởng khỏe ở vườn ươm trên quy mô công suất sản xuất 10.000 cây/năm.
Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: Hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp bằng công nghệ nuôi cấy cứu phôi quy mô công nghiệp; trồng thử nghiệm thành công trên đất nhiễm mặn, nhiễm phèn; thành lập được doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ sản xuất kinh doanh giống và các sản phẩm từ dừa Sáp.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Đã sản xuất thử nghiệm được 7.596 cây dừa Sáp trong giai đoạn phòng thí nghiệm, trong đó 5.000 cây sản xuất theo kế hoạch được phê duyệt và 2.596 cây vượt kế hoạch có từ 3 - 4 lá trở lên, cây con phát triển tốt, có bộ rễ khoẻ mạnh.
- Đã xây dựng được quy trình nuôi cây dừa Sáp giai đoạn vườn ươm quy mô công nghiệp với tỉ lệ thành công đạt 88,94% trong thời gian 6,5 tháng.
- Đã sản xuất được 6.540 cây dừa sáp nuôi cấy cứu phôi ở vườn ươm, trong đó 2.000 cây theo kế hoạch được phê duyệt và 4.540 cây vượt kế hoạch có từ 5 – 6 lá trở lên, cây sinh trưởng tốt, có bộ rễ khoẻ.
- Đã xây dựng được 05 ha mô hình trồng thử nghiệm dừa Sáp nuôi cấy cứu phôi trên vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn ở tỉnh Vĩnh Long (1 ha) và tỉnh Trà Vinh (1 ha), Nhà Bè, TP. HCM (3 ha). Cây có tỉ lệ sống cao (≥95%), sinh trưởng cân đối, ít sâu bệnh hại. Mô hình 1 ha vườn dừa Sáp nuôi cấy cứu phôi ở giai đoạn trưởng thành sinh trưởng tốt, năng suất ổn định, tỉ lệ trái sáp đạt từ 75,4 - 86,7%, dạng trái đặc, loại B và loại C. Mô hình cũng mang lại hiệu quả cao kinh tế, xã hội và môi trường.
- Đã nhận bằng Bảo hộ Giống dừa Sáp SAĐ1 theo Quyết định số 263/QĐ-TT-VPBH, Số bằng 123 VN.2019 ngày 19 tháng 9 năm 2019.
Phát triển trồng dừa Sáp nuôi cấy cứu phôi trên đất nhiễm mặn, nhiễm phèn sẽ tận dụng được quỹ đất hạn chế về dinh dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đất nhiễm mặn, nhiễm phèn tại Tp. Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu dừa Sáp phục vụ cho công nghiệp chế biến các sản phẩm cao cấp về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm, góp phần phát triển một nền nông nghiệp bền vững cho khu vực, phù hợp với môi trường và điều kiện biến đổi khí hậu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17730/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.