Thiết bị lọc bụi và khí thải cho các phương tiện giao thông đường bộ do em Nguyễn Bích Gia An và Đoàn Viết Minh (lớp 11A14, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6, TP.HCM) nghiên cứu và chế tạo. Đây là sản phẩm vừa đoạt giải ba trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp TP. Với thiết bị này, An và Minh hy vọng sẽ góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp môi trường trở nên xanh-sạch-đẹp để TP.HCM xứng đáng là đô thị thông minh, hiện đại.

Với thiết bị này, khi xe hoạt động, lượng khí thải sẽ đi vào thiết  bị. Nhờ áp suất của bô và cấu tạo của thiết bị hình thành nên một lực giúp khí thải bám vào thiết bị và bị giữ lại. Khi đó, khí thải ra ngoài bô xe chỉ còn N2, O2, CO2(dư)… không đáng kể.

An cho biết qua quá trình thử nghiệm trên 2 loại xe là Lead và Air  Blade, kết quả chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) hầu như không đổi hoặc giảm sau khi có thiết bị, nồng độ CO2 trong không khí đều giảm, mùi khói thải ra từ xe bớt nồng nặc hơn.

Cụ thể với dòng xe Lead, khi không có thiết bị lọc bụi và khí thải, AQI:7; CO2: 13ppm. Khi có thiết bị AQI: -24; CO2: 5ppm. Với xe Air Blade  khi không có thiết bị, AQI: 10; CO2: 17. Khi có thiết bị thì AQI: 0;  CO2 : 152ppm.

“Hiện thiết bị này đã hoạt động hiệu quả trong việc lọc bụi và khí  thải do xe thải ra. Tuy vậy, khi sử dụng, thiết bị cần được rửa sạch thường xuyên để phát huy tính năng hoạt động của nó” - An lưu ý.

Điểm ưu việt của thiết bị là được lắp vào bô xe, thiết kế nhỏ, gọn, nhẹ, dễ lắp đặt. Nếu được lắp đặt đúng cách thì bô xe có thể lọc được bụi và khí thải dù xe đang hoạt động ở địa hình nào.

Chẳng hạn như nếu hoạt động ở vùng núi, thiết bị lọc cần lắp song song nằm ngang với bô xe do địa hình rộng nhưng gồ ghề. Ở vùng nông thôn thì thiết bị lọc nằm song song phía dưới bô xe do địa hình rộng nhưng bằng phẳng, không ngập lụt. Còn vùng thành thị, thiết bị lọc sẽ nằm hướng chếch lên trên do thành thị dễ ngập lụt. Không chỉ vậy, bộ lọc còn cần phù hợp với từng thiết kế của xe, chẳng hạn với xe tay ga thì người sử dụng có thể đưa bô xuống phía dưới chỗ để chân, nối dài thiết bị  hướng ra sau xe.

Theo thống kê từ Sở Giao thông Vận tải, hiện TP.HCM có gần 7,6 triệu  xe máy. Lượng xe máy lưu thông thải ra khoảng 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% oxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ  giới.

Việc các phương tiện giao thông xả ra khí thải không chỉ ảnh hưởng  trực tiếp đến môi trường sống, bầu không khí mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Nguy hiểm hơn là tác nhân sinh ra những căn bệnh nguy hiểm về đường hô hấp, thậm chí dẫn đến chết người.

“Chúng em biết có rất  nhiều khói bụi thải ra môi trường mỗi ngày, nó cũng xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng với khả năng của chúng em chỉ có thể góp sức khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông đường  bộ”, An cho biết.

Chia sẻ về thiết bị lọc bụi và khí thải của An và Minh, thầy Lương Tuấn Anh (giáo viên hướng dẫn) cho biết, mặc dù thiết bị lọc được không khí đáng kể, nhưng với trình độ của học sinh thì thiết bị vẫn còn một số hạn chế, như: phải vệ sinh màng lọc thường xuyên, thay dung dịch lọc khí, đặc biệt thiết bị này khó sử dụng khi đường ngập nước. Tuy nhiên, nếu thiết bị được nâng cấp, cải tiến thì sẽ rất có hiệu quả, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian tới, An cho biết hai bạn sẽ chú trọng đến thiết kế của thiết bị để có thể hoạt động khi ngập nước. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ tìm kiếm, thay thế màng lọc hiện tại bằng một chất liệu lọc hay màng  lọc khác có hiệu suất tốt hơn và giá thành rẻ hơn, như vậy sẽ phù hợp với túi tiền của người tham gia giao thông.

Nguồn: doimoisangtao.vn