Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Reports Medicine, con trai của những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao gấp ba lần. Viện Karolinska-Thụy Điển cho biết, những phát hiện này làm nổi bật nguy cơ chưa từng được biết đến trước đây về sức khỏe có liên quan đến PCOS qua di truyền tới thế hệ sau thông qua nam giới trong một gia đình.
Hội chứng buồng trứng đa nang là do buồng trứng sản xuất quá nhiều hormone giới tính testosterone. Căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 15% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên toàn thế giới và là tình trạng có thể gây khó mang thai. Ngoài ra, căn bệnh này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau như tiểu đường, béo phì và bệnh tâm thần. Con gái của những phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ mắc bệnh tương tự cao gấp 5 lần.
Mặc dù vẫn chưa rõ con trai của phụ nữ mắc PCOS bị ảnh hưởng như thế nào, nhưng nghiên cứu cho thấy họ có nhiều khả năng gặp vấn đề về cân nặng và nội tiết tố. Các nhà khoa học đã sử dụng cả dữ liệu đăng ký và mô hình chuột trong nghiên cứu mới được công bố để xác định xem một số đặc điểm giống PCOS có được truyền từ mẹ sang con trai của họ hay không và bằng cách nào. Chỉ hơn 460.000 con trai sinh ra ở Thụy Điển trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2006 đến tháng 12 năm 2015 đã được đưa vào nghiên cứu. Trong số này, khoảng 9.000 là con trai của phụ nữ mắc PCOS. Sau đó, họ đã xác định được đứa trẻ nào bị béo phì.
Giáo sư Elisabet Stener-Victorin cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng con trai của những phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ béo phì cao gấp ba lần và có mức cholesterol xấu cao, làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường loại 2 sau này”.
Những phát hiện này đã được xác nhận trong mô hình thử nghiệm trên chuột, họ đã kiểm tra con của con chuột cái là những con chuột đực trước và trong khi mang thai được cho ăn theo chế độ ăn tiêu chuẩn hoặc chế độ ăn giàu chất béo và đường, và được tiếp xúc với lượng hormone sinh dục nam dihydrotestosterone cao trong thời kỳ mang thai để bắt chước quá trình mang thai của những người có cân nặng bình thường và phụ nữ béo phì mắc PCOS. Những con chuột đực sau đó được cho ăn theo chế độ tiêu chuẩn cho đến khi trưởng thành khi kiểm tra sự phân bố và chuyển hóa chất béo của chúng.
Giáo sư Elisabet Stener-Victorin cho biết: “Chúng tôi có thể thấy rằng những con chuột đực này có nhiều mô mỡ hơn, các tế bào mỡ lớn hơn và sự trao đổi chất cơ bản bị rối loạn, mặc dù đã ăn chế độ ăn uống lành mạnh”.
Để điều tra chức năng sinh sản của con cái và liệu các đặc điểm sinh lý có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hay không, những con chuột đực thế hệ đầu tiên được giao phối với những con chuột cái khỏe mạnh không tiếp xúc với hormone giới tính nam hoặc chế độ ăn giàu chất béo và đường. Toàn bộ quá trình được lặp lại ở thế hệ thứ hai để đến thế hệ thứ ba đó là thế hệ đầu tiên không bị ảnh hưởng bởi tình trạng mẹ.
Phó giáo sư Qiaolin Deng cho biết: "Thông qua những thí nghiệm này, chúng tôi có thể chỉ ra rằng béo phì và nồng độ hormone nam cao ở phụ nữ khi mang thai có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài ở con trai. Chức năng mô mỡ, quá trình trao đổi chất và chức năng sinh sản của họ bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai”.
Giáo sư Elisabet Stener-Victorin giải thích thêm: "Những phát hiện này rất quan trọng vì chúng làm nổi bật nguy cơ di truyền về các vấn đề sức khỏe cho nam giới trong gia đình, và từ đó có thể giúp chúng tôi trong tương lai tìm cách xác định, điều trị và ngăn ngừa các bệnh về sinh sản và trao đổi chất ở giai đoạn đầu”.