“Post-holiday blue” hay “Nỗi buồn sau kỳ nghỉ”, là những cảm xúc ngắn hạn mà bạn trải qua sau những kỳ nghỉ, như cảm giác trống rỗng, tiếc nuối, cô đơn, căng thẳng, không thể tập trung, đầu óc mơ màng, cơ thể uể oải, rã rời, khó ngủ, chán ăn, mất hứng và mất kết nối với nhịp sống cũ, thậm chí là sợ hãi những ngày sắp tới. Thông thường, hội chứng này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và sau đó biến mất nhưng lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Có rất ít nghiên cứu về hội chứng này, nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng sự giảm sút lượng adrenaline là nguyên nhân chính. Sự dừng lại đột ngột của dopamine và serotonin (hai loại hormone giúp bạn cảm thấy dễ chịu) sau một sự kiện lớn, có thể là sau Tết hoặc sau những kỳ nghỉ lễ, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm sinh lý của bạn. Sự thay đổi giữa các mùa, ánh sáng ban ngày ít, mức độ hoạt động thể chất giảm và sự cô lập gia tăng cũng góp phần gây ra cảm giác tồi tệ này.
Đối với người dân Mỹ và các nước phương Tây, hội chứng “Nỗi buồn sau kỳ nghỉ” thường xảy ra sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Còn với người dân Trung Quốc, hội chứng này thường xảy ra sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người dân Hàn Quốc thì trải qua hội chứng này sau kỳ nghỉ Tết Trung thu. Ở Nhật Bản cũng xuất hiện một hiện tượng tương tự gọi là “Bệnh tháng 5”, bởi đầu tháng 5 là khoảng thời gian dài cho những kỳ nghỉ và lễ hội tại Nhật Bản.
Hội chứng sau kỳ nghỉ lễ là một trạng thái tâm lý bình thường mà hầu hết người hiện đại đều có thể mắc phải. Để đưa bản thân thoát khỏi sự buồn bã sau những kỳ nghỉ vui vẻ có một số cách hữu ích sau:
- Ngủ đủ giấc: Bạn cần ngủ đủ giấc mỗi ngày, không chỉ để duy trì sức khỏe tinh thần mà còn ngăn ngừa các bệnh như huyết áp cao, đột quỵ và suy nhược thần kinh.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa rượu bia và chất kích thích: Vào những ngày nghỉ lễ mọi người có xu hướng tìm đến những thực phẩm nhiều chất béo và đường. Để duy trì thói quen ăn uống lành mạnh trong những ngày lễ và sau đó, hãy cố gắng thêm vào khẩu phần ăn các loại thực phẩm như trái cây và rau xanh, đồng thời tránh uống nhiều rượu bia vì nó có thể khiến những cảm xúc tiêu cực trở nên mạnh mẽ hoặc khó kiểm soát hơn.
- Tăng cường vận động: Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên bắt đầu ngày mới bằng việc đi bộ nhanh, chạy bộ, hoặc khởi động bằng một bài tập ngắn. Nếu bạn không thích tập thể dục vào buổi sáng, hãy thử thiền trong 5 phút hoặc tập hít thở sâu để làm dịu tâm trí và kích hoạt giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác dễ chịu.
- Kết nối với bạn bè hoặc gia đình: Ở cạnh người thân quen sẽ giúp bạn cảm thấy được chia sẻ và xua tan cảm giác cô đơn.
Lên lịch hoạt động trước: Mọi người có nguy cơ mắc chứng buồn bã sau kỳ nghỉ lễ cao hơn nếu họ không có điều gì để mong chờ. Vì thế lên kế hoạch trước cho một việc gì đó, dù lớn hay nhỏ, có thể giúp bạn duy trì động lực vui vẻ sau kỳ nghỉ lễ.
- Thử những trải nghiệm mới: Thông thường, khi lập kế hoạch cho các hoạt động trong tương lai, mọi người thường có xu hướng gắn bó với những điều quen thuộc. Ví dụ như ăn ở nhà hàng yêu thích hoặc gặp gỡ những người bạn thân. Nhưng bạn cũng có thể thử một số hoạt động mình chưa từng làm trước đó, chẳng hạn như tham gia một lớp học nhảy mà bạn đã tìm hiểu từ lâu, hay học thêm một vài kỹ năng sống mới chẳng hạn.