Ngày 14/06/2024 tại tỉnh Bến Tre, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 27. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSCL giai đoạn 2022-2024; thảo luận, trao đổi triển khai nhiệm vụ, giải pháp KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, hoạt động KHCN&ĐMST của các tỉnh, thành phố trong Vùng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã được ban hành và đi vào thực tiễn. Đặc biệt, các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung giải quyết những vấn đề KH&CN cấp thiết phát sinh trong thực tiễn sản xuất tại các địa phương như biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển một số sản phẩm chủ lực của địa phương như: nghiên cứu chế phẩm vi sinh phân giải độ mặn trên một số loại cây ăn quả chủ lực; xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn với quy mô 500m3/ngày đêm; nghiên cứu chế tạo đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động... Nhiều nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, của vùng như: công nghệ sản xuất chế biến thủy sản; nghiên cứu chọn tạo giống và xây dựng quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP như bưởi Da xanh Bến Tre, xoài Cao Lãnh Đồng Tháp, sầu riêng Ri6 tại Tiền Giang, Bến Tre, thủy hải sản xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… Nhiều doanh nghiệp vùng ĐBSCL quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng KH&CN vào nâng cao chất lượng sản phẩm, nổi bật là Công ty Vĩnh Hoàn, tỉnh Đồng Tháp đầu tư 50 tỷ đồng để đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu; Công ty Cổ phần Mỹ Lan Trà Vinh đầu tư hơn 40 tỷ đồng để làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản thông minh; Tập đoàn Việt Úc tỉnh Bạc Liêu đầu tư 110 tỷ đồng phát triển khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao; Tập đoàn Minh Phú tỉnh Cà Mau đầu tư hơn 60 tỷ đồng cải tiến công nghệ chế biến tôm xuất khẩu; Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Trung An TP. Cần Thơ đầu tư khoảng 70 tỷ đồng cho đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, KHCN&ĐMST vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương và cả Vùng.
Theo ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhưng trong thời gian qua Bến Tre cũng như một số tỉnh, thành phố trong Vùng đã thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển KH&CN nói riêng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể như, những ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã góp phần đưa Bến Tre giữ vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI cả nước và đứng thứ 3 ở ĐBSCL; Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%; là tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được xác lập và bảo hộ trong cả nước. Bên cạnh những thành tựu nổi bật nêu trên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng hiểu rất rõ những hạn chế đang cản trở sự phát triển của KH&CN tỉnh nhà, trong đó có việc chậm đổi mới tư duy trong quản lý hoạt động KH&CN của một số cơ quan quản lý; các chính sách cũng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa… Bến Tre luôn mong muốn được hợp tác với Bộ KH&CN cũng như các địa phương trong Vùng để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy lợi thế của vùng ĐBSCL nhằm thúc đẩy sự phát triển chung, góp phần phát triển KH&CN, kinh tế đất nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất đề xuất các giải pháp góp phần thực thi các chính sách liên quan đến hoạt động KHCN&ĐMST; các giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST, ứng dụng công nghệ ngăn mặn, khử mặn hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, xử lý các phế thải từ nông nghiệp; đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu... Đồng thời đề xuất, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như: liên kết ngành, các nguồn lực trong phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị gia tăng; thống nhất quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các giải pháp cần tập trung thực hiện để liên kết phát triển và nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm quốc gia trong vùng...
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KHCN&ĐMST giai đoạn 2024-2030 nhằm hỗ trợ tỉnh ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hỗ tỉnh Bến Tre triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương như xử lý nước mặn, rác thải sinh hoạt; giải pháp thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu; giải pháp tổng thể phòng trừ dịch hại; xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp; tạo sản phẩm mới từ Dừa; xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp; công nghệ bảo quản nông sản; công nghệ thông minh giám sát trực tuyến vùng sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình làng thông minh; công nghệ sản xuất sản phẩm tái chế không gia nhiệt từ rác thải nhựa; phục dựng, lưu giữ bộ xương cá voi...
Trong khuôn khổ Hội nghị, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN tỉnh Bến Tre đã công bố tạo lập, bảo hộ xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre (sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu).
Nguồn:Từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia