Ngày 13/10/2023, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XVI. Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2019-2023, đồng thời, trao đổi, thảo luận những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy, phát triển mạnh hơn nữa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Quang cảnh Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo 12 Sở KH&CN trong vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các sở, ban ngành tỉnh Đắk Lắk; đại diện các viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương...
Theo báo cáo tại Hội nghị của Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk Đinh Khắc Tuấn và Vụ trưởng Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương Chu Thúc Đạt, giai đoạn 2019-2023, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực, tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị. Kết quả nghiên cứu ngày càng đi vào cuộc sống, tính ứng dụng ngày càng tăng lên. Điển hình là những ứng dụng có hiệu quả như: Sản xuất chế phẩm lên men Latic nhằm xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò hay nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai giữa bò tót và bò, mô hình nuôi cá hồi vân tại tỉnh Đắk Lắk; cải thiện tầm vóc giống trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murash tại Quảng Ngãi; nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học trên đệm lót tại địa bàn tỉnh Bình Định; ứng dụng các công nghệ di truyền tiên tiến để chọn tạo ra các dòng lợn có năng suất chất lượng cao, giá thành hợp lý phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương từ kết quả Dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh "Chọn tạo đàn lợn giống hạt nhân Yorkshire, Landrace và Duroc bằng công nghệ đánh giá di truyền và phân tích gen tại Khánh Hòa"; đã xây dựng dự án sản xuất hành tím chuẩn VietGap tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn đạt năng suất 14 tấn mỗi ha một năm; nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận diện và cảnh báo một số loại sâu, bệnh hại lúa; ứng dụng quản lý hệ thống thoát nước trên nền tảng bản đồ số và mạng lưới IoT; hệ thống giám sát an toàn đường ngang đường sắt dùng cảm biến IoT thông minh tự động cảnh báo tàu hỏa; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, truy xuất sản phẩm sâm Ngọc Linh bằng các công cụ webmap, chatbot, blockchain; xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về khoáng sản…
Thông qua các sự kiện công nghệ như chợ công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… toàn vùng ghi nhận 16 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp địa phương đã tận dụng được cơ hội tiếp cận các công nghệ mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nhằm nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của chính bản thân doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động chuyển giao và đổi mới công nghệ...
Từ thực tiễn địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, KH,CN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân của Đắk Lắk đạt 5,88%/năm, năm 2022 tăng trưởng 8,94%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, chính sách phát triển KH&CN nói riêng, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, KH,CN&ĐMST vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều chính sách thiết thực, sát với thực tiễn của vùng hơn nữa để KH,CN&ĐMST thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã thành lập các hội đồng điều phối vùng nhằm đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế-xã hội của các vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát triển KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cần bám sát quan điểm đẩy mạnh liên kết vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các vùng, mang lại hiệu quả, giá trị bền vững.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục trao đổi, hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của địa phương, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2023-2025 và định hướng những năm tiếp theo; đồng thời chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động KH,CN&ĐMST ở địa phương, trong đó có vấn đề liên quan đến xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước đang bị vướng bởi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển KH,CN&ĐMST trong vùng thời gian tới, các địa phương cần thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để triển khai hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KH,CN&ĐMST trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm trọng điểm về KH,CN&ĐMST, khẳng định rõ nét vai trò của KH,CN&ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội nhanh, bền vững của từng địa phương trong vùng. Đồng thời cần có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH&CN để các địa phương cân đối bảo đảm chi tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là chi triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, các sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, đối ứng của doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần chú trọng đầu tư, nâng cao tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập tại địa phương; đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN. Đầu tư, phát triển một số trung tâm khởi nghiệp ĐMST, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học trong vùng; hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST tại Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Tây Nguyên và một số trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng để phát triển thành những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, trong đó tập trung hình thành các tổ chức dịch vụ, tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ; kết nối và phát huy hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ của vùng với các sàn giao dịch trong nước và quốc tế. Triển khai hiệu quả bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) tại các địa phương trong vùng… Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong nội vùng và với các vùng khác trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương…
Nguồn từ trang web:vista.gov..vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia