Ngày 24/4/024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm, đạt doanh thu gần 600 tỷ USD, tính đến năm 2023. Ngành bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn, như quyết tâm chính trị cao; môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; lực lượng lao động có chất lượng; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, với bối cảnh và lợi thế trên, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này Việt Nam cần triển khai nhanh trong thời gian không nên quá 24 tháng và tập trung vào 3 nội dung cốt lõi: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn trong thời gian ngắn, các đại biểu cho rằng nên tận dụng nền tảng sẵn có của các cơ sở đào tạo; đội ngũ giảng viên; nhân lực công nghệ thông tin, điện tử... để đào tạo bổ sung về công nghệ bán dẫn; đồng thời, hình thành các trung tâm, khoa, viện, phòng nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế chính sách đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn; phát triển các ngành phụ trợ công nghiệp bán dẫn; các nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp... nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn. Các đại biểu cho rằng, với sự quyết tâm cao, Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau một buổi làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn đã cơ bản hoàn thành chương trình và nội dung đề ra. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến đồng tình cao với chủ đề hội nghị, thẳng thắn, tâm huyết, sát thực tế, khả thi, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng, sớm hoàn thiện Thông báo kết luận sau Hội nghị.
Thủ tướng cơ bản thống nhất với báo cáo, ý kiến phát biểu của các đại biểu, nhấn mạnh thêm một số nội dung. Theo Thủ tướng, đào tạo nhân lực là một trong 5 trụ cột để ngành công nghiệp bán dẫn gồm: Xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; đào tạo nhân lực; huy động nguồn lực; xây dựng hệ sinh thái phát triển.
Về nhận thức, Thủ tướng chỉ rõ: Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đào tạo nhân lực; quan điểm xuyên suốt trong phát triển đất nước là lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển; phát triển công nghiệp bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu; phát triển ngành bán dẫn sẽ kéo theo các ngành phụ trợ khác.
Về chủ trương, chính sách, Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế-xã hội năm 2023-2024 đã yêu cầu: "Tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030".
Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giaos dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 (Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022), xác định công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, được ưu tiên.
Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Hòa Lạc và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này (Viettel, VNPT, FPT, CMC…), có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.
Nước ta có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đào tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu nhân lực công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định khả năng đào tạo 50.000-100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
Về các địa phương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… đều thể hiện quyết tâm thu hút, tạo điều kiện và dành nhiều nguồn lực cho phát triển nhân lực bán dẫn cũng như xây dựng hệ sinh thái cho ngành bán dẫn.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã có quá trình lâu dài và đang đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với nhiều nước, trong đó có lĩnh vực công nghệ thông tin. Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh đến việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành. Các tập đoàn hàng đầu (NVIDIA, Samsung…) cũng có sự quan tâm, định hướng nghiên cứu, đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng cứ điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Thủ tướng nêu rõ, trên đây là những điều kiện, nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển nhân lực bán dẫn chất lượng cao. Với mục tiêu đào tạo từ 50.000-100.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn, Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm:
Thứ nhất, coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo qua sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, đa dạng hóa mọi nguồn lực, gồm nguồn lực nhà nước, xã hội, nhân dân, phát huy quan hệ Nhà nước - xã hội - thị trường, đẩy mạnh hợp tác công tư.
Thủ tướng đã khái quát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế cho đào tạo nhân lực bán dẫn với cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù.
Thứ hai, đầu tư cho hạ tầng phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn, gồm cơ sở đào tạo, nhà trường, phòng thí nghiệm, nơi sản xuất…
Thứ ba, đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp.
Thứ tư, phương thức đào tạo cả tiệm cận và đột phá, cả trước mắt và lâu dài.
Thứ năm, huy động, đa dạng hóa nguồn lực của Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp…
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp, đại học, các chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể phát triển ngành nhân lực bán dẫn.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT rà soát, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" với cơ chế, chính sách phù hợp; phối hợp với các địa phương trong triển khai; thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trong nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên kế hoạch đào tạo nhân lực bán dẫn, xây dựng phương án hợp tác, chương trình, giáo trình, hướng dẫn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu mở thêm chuyên ngành…
Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp lĩnh vực chip bán dẫn; chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách giấy phép lao động cho người nước ngoài nhằm tạo điều kiện thu hút chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc trong ngành bán dẫn; nghiên cứu thúc đẩy hình thành thị trường lao động bán dẫn trong thị trường lao động nói chung.
Bộ Ngoại giao thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ đào tạo, thu hút nhân lực bán dẫn, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm.
Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách visa, tạo thuận lợi thu hút chuyên gia nước ngoài trong ngành bán dẫn nói riêng và đào tạo nhân lực nói chung.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị liên quan, như các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh… tham gia triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ứng dụng, phục vụ cho an ninh quốc phòng.
Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước triển khai Đề án, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi thuế phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng chính sách xem xét và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về cơ chế tiết kiệm và chuyển tiền thuận lợi cho các chuyên gia quốc tế làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn; chính sách cho vay ưu đãi cho sinh viên để thu hút, khuyến khích học tập, nâng cao kĩ năng trình độ phục vụ công việc.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp ủy, HĐND về bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ dạng học bổng, các chính sách ưu đãi cho sinh viên địa phương học ngành bán dẫn; triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án.
Các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ trong mối quan hệ giữa Nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia hình thành thị trường nhân lực bán dẫn, tích cực tham gia đóng góp thực hiện Đề án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ sở đào tạo về nhu cầu đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo; đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng Nhà nước để hỗ trợ triển khai Đề án.
Thủ tướng mong muốn sau Hội nghị, các chủ thể liên quan nâng cao nhận thức, hiểu rõ nhiệm vụ của mình để xác định và tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện được mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn của cục thông tin KH&CN quốc gia