Ngày 16/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm - Hành động của chúng ta”. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp.

Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững không chỉ là quan điểm mà còn là mục tiêu hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước tại Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua các thời kỳ. Tăng trưởng xanh không chỉ là một phương thức quan trọng mà còn là yếu tố chính để thực hiện phát triển bền vững. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, quan điểm này được khẳng định và nhấn mạnh. Phát triển nhanh phải gắn liền với phát triển bền vững, và phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển. Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh kinh tế là cơ sở cho phát triển nhanh, trong khi phát triển nhanh tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Quan điểm và mục tiêu này tiếp tục được thể hiện trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phản ánh khát vọng của Việt Nam trở thành một quốc gia, một nền kinh tế phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thế giới đang đối mặt với nguy cơ nạn đói, bất bình đẳng gia tăng, và hệ sinh thái đang bị đe dọa, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn và thách thức. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang tạo điều kiện cho dịch chuyển tự do của nguồn lực phát triển, như vốn, công nghệ, và nhân lực. Điều này đặt ra áp lực, yêu cầu các quốc gia phải liên tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, và phát triển nhân lực chất lượng cao. Việt Nam, như một quốc gia đang phát triển, cũng phải đối mặt với những thách thức này. Trong nước, tình hình tăng trưởng kinh tế đối mặt với nhiều thách thức. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng đúng nhu cầu, và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế. Cơ cấu lại nền kinh tế chậm, và tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư. Đồng thời, đô thị hóa nhanh gây áp lực lớn về hạ tầng và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, những mô hình phát triển mới như tăng trưởng xanh, kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, cùng với tiến bộ khoa học và công nghệ, mang lại nhiều lựa chọn cho Việt Nam để tăng trưởng nhanh và bền vững. Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin tưởng rằng, với những giải pháp đề xuất, cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý, các tổ chức, chuyên gia, và cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam có thể đạt được kết quả tích cực trong việc thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Mục tiêu của Việt Nam là một nền kinh tế xanh, đóng góp vào mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và phát triển bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh và đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát trển vững trong thời gian tới như hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.

Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thông qua Hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế và đại diện các doanh nghiệp trong ngành ở Việt Nam và quốc tế mang tới những góc nhìn đa chiều về trách nhiệm và hành động để Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050; hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra hai phiên thảo luận mở, nơi các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ về những nỗ lực thực thi phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu trong chặng đường vừa qua và mục tiêu thời gian tới, đồng thời đưa ra các khuyến nghị phù hợp về phát triển bền vững, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi xanh của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nguồn:từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia