Ngày 19/10/2022 tại Hà Nội, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia phối hợp với Viện Thông tin khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KISTI) tổ chức hội thảo quốc tế “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số với hạ tầng phân tích dữ liệu lớn”, nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

 

Quang cảnh hội thảo quốc tế “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số với hạ tầng phân tích dữ liệu lớn”

Ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia; bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và Phát triển Công nghệ.  Ngoài ra còn có các đại biểu đến từ Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ; Cục Sở hữu Trí tuệ; Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ; Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ; Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia… Đại diện phía Hàn Quốc có ông Hyuck Jai Lee - Giám đốc dự án cùng các chuyên gia của KISTI.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, cho biết: Trên thế giới, đổi mới sáng tạo số được triển khai phổ biến ở các doanh nghiệp, các tổ chức dưới dạng xây dựng hệ thống cho phép thu thập, tích hợp dữ liệu lớn, phát triển các ứng dụng cho phép phân tích trên nền tảng dữ liệu lớn, phục vụ cho việc tạo ra các báo cáo về thị trường, báo cáo xu hướng phát triển công nghệ đầy đủ và nhanh chóng nhất. Đây là những ứng dụng rất phổ biến được áp dụng tại nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Tuy nhiên, có một thực tế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là năng lực công nghệ thông tin còn hạn chế, chúng ta chưa có những hạ tầng để cho phép quản trị và xử lý. Do đó làm hạn chế năng lực nghiên cứu thị trường. Chính vì vậy trong khuôn khổ dự án cùng phối hợp với KISTI, cùng xây dựng bộ công cụ COMPAS cho phép hỗ trợ người dùng phân tích hiện trạng, xu hướng phát triển trong lĩnh vực công nghệ cụ thể, hỗ trợ cho các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có công cụ tự động để hỗ trợ quá trình ra quyết định của mình.

Ông Hyuck Jai Lee - Giám đốc dự án của KISTI giới thiệu hệ thống Dịch vụ phân tích cạnh tranh (COMPAS)

Tại hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc đã giới thiệu hệ thống Dịch vụ phân tích cạnh tranh (COMPAS), một công cụ trực tuyến chạy trên nền tảng dữ liệu lớn giúp phân tích, đánh giá hiện trạng và xác định xu hướng phát triển của công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, từ đó giúp nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa công nghệ. COMPAS đã được KISTI triển khai và chứng minh hiệu quả đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc. Hiện nay, COMPAS phiên bản dành cho Việt Nam đã được chuyển giao cho Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia để phục vụ cho cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Tiến sĩ Hyuck Jai Lee, Giám đốc dự án, cho biết: Để thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số dựa trên hệ thống phân tích thông tin dữ liệu lớn tại Hàn Quốc và dự án ODA cho Việt Nam thì cần có những mục tiêu: Hỗ trợ xây dựng "Kế hoạch quốc gia về phát triển cơ sở hạ tầng phân tích thông tin khoa học và công nghệ ở Việt Nam"; hỗ trợ phát triển "hệ thống đổi mới kỹ thuật số tại Việt Nam" bằng cách kết hợp kinh nghiệm và công nghệ ICT của Hàn Quốc (COMPAS); phát triển “quan hệ đối tác kỹ thuật số giữa Việt Nam và Hàn Quốc” bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về thông tin khoa học và công nghệ.

Phần tiếp theo của hội thảo là trao đổi những kết quả của việc ứng dụng thanh công cụ COMPAS trong hoạt động đổi mới của Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (SATI) và Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác Công nghệ (NIPTEX). Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ đã chia sẻ một số kết quả thử nghiệm với hệ thống COMPAS như:  Hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định nghiên cứu và phát triển (R&D) dựa trên hiệu suất phát hiện và phân tích tình huống của công nghệ cạnh tranh toàn cầu dựa trên các nguồn thông tin lớn như các bài báo khoa học, phát minh, v.v.; Tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới nhưng gặp khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội và đối phó với các mối đe dọa; Sử dụng các mô hình phân tích Cây công nghệ (TechTree); Bằng sáng chế tiềm năng; Xác định đối thủ cạnh tranh; TradeScan; Hồ sơ đối thủ cạnh tranh…

Thạc sĩ Nguyễn Công Đức từ Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (NIPTEX) đã trình bày những đánh giá về công cụ phân tích cạnh tranh (COMPAS), nêu những thuận lợi như: Phần mềm COMPAS chỉ ra được các sáng chế tương tự; các điểm bảo hộ độc lập có dấu hiệu kỹ thuật tương tự như một sáng chế đã lựa chọn từ trước; Chỉ ra nhận dạng đối thủ cạnh tranh; Hồ sơ đối thủ cạnh tranh; Xác định tính năng “Bằng sáng chế chính” của phần mềm COMPAS… cùng một số khó khăn như: Nếu chưa nộp sáng chế chưa có số đơn thì không sử dụng được phần mềm COMPAS; Có dấu hiệu kỹ thuật (tương đương với điểm bảo hộ) mà chưa có số đơn thì không thể so sánh được các sáng chế tương tự và chi tiết các sáng chế tương tự); Phần mềm COMPAS chỉ dựa vào thông tin chỉ số IPC để đánh giá “Cây công nghệ” vì thế khó khăn cho người dùng nếu chưa hiểu về phân loại IPC; Để có kỹ năng xác định chỉ số phân loại sáng chế quốc tế đòi hỏi phải có hiểu biết nhất định về lĩnh vực công nghệ cần tra cứu, trong đó, phải nắm bắt được cách sắp xếp và vị trí của lĩnh vực công nghệ trong phân loại sáng chế quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Vân Nga, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết đơn vị đã triển khai thực hiện 10 báo cáo phân tích sử dụng hệ thống COMPAS; và mời đại diện các Viện chuyên ngành tham gia dùng thử và đánh giá kết quả: Hệ thống COMPAS sử dụng hiệu quả, giúp các nhà khoa học tại Viện Hàm lâm tìm được các hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực quan tâm; Hệ thống COMPAS hỗ trợ Trung tâm trong việc đưa ra các báo cáo về xu hướng công nghệ cho Lãnh đạo Viện Hàn lâm.

Bên cạnh đó, các tham luận tại hội thảo còn đề cập đến các hoạt động và dịch vụ tư vấn mà các cơ quan, tổ chức của Việt Nam cung cấp cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển các hệ thống hỗ trợ quản lý và đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại Hàn Quốc.

Hội thảo là một phần Dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số thông qua xây dựng Hệ thống phân tích thông tin khoa học và công nghệ dựa trên dữ liệu lớn” do Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin và Truyền Thông Hàn Quốc tài trợ triển khai trong giai đoạn 2021-2023 nhằm giúp tạo dựng nền tảng cho hoạt động hoạch định và phát triển chính sách KH&CN dựa trên thực chứng của Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thiệt thực nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của hai quốc gia thông qua kết nối nhập khẩu và xuất khẩu công nghệ dựa trên các kết quả phân tích và đánh giá về thị trường công nghệ.