Ngày 12/11/2022 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề: Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước với hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới, như Canada, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan Singapo,… đang nghiên cứu về lĩnh vực trên, cũng như đại diện của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, và nhiều cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, công ty luật, trường đại học, viện nghiên cứu khác trong cả nước.
Với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật và công nghệ, mọi lĩnh vực trong đời sống hiện nay đều là mảnh đất màu mỡ của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI). AI hiện nay đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực với các cấp độ sử dụng khác nhau nhằm mang lại sự tối ưu và tiện lợi cho cuộc sống con người, trong đó có thể kể đến các hệ thống máy móc nhận diện giọng nói/chữ ký, xe ô tô tự lái, robot thông minh, hỗ trợ chẩn đoán trong lĩnh vực y tế… Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng phổ biến hơn trong hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống con người. Nhưng AI có thể tự học, tự hoàn thiện và thực hiện những hoạt động hay nhiệm vụ mà không có định hướng hay giám sát từ con người. Khi AI đạt đến trình độ phát triển nhất định, chúng không còn là những thực thể vô tri vô giác, chúng có khả năng nhận thức, học hỏi, tự đưa ra quyết định, có khả năng độc lập sáng tạo.
Thực tế đó đã đặt ra nhu cầu rất cấp thiết phải xây dựng khung pháp lý nhằm đảm bảo sự vận hành thuận lợi, tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng AI, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo lợi ích quốc gia. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ cũng sẽ góp phần phòng tránh tình trạng bị động trước các vấn đề phát sinh từ ứng dụng AI, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và lợi ích của toàn xã hội.
Nhận thức rõ vấn đề trên tại Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó, giao Bộ Tư pháp nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới AI. Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các nhà hoạt định chính sách, các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… chia sẻ, trao đổi những ý tưởng, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức, vấn đề pháp lý, từ đó góp phần hoàn thiện quy định liên quan đến trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng AI.
Ban Tổ chức cũng đã nhận được 36 bài tham luận gửi tới và có 22 bài tham luận được đưa vào kỷ yếu và 13 tham luận được chọn trình bày trực tiếp để trao đổi tại Hội thảo. Chủ đề các tham luận được trình bày tại Hội thảo hướng đến những vấn mới phát sinh liên quan đến AI đã và sẽ tạo ra rất nhiều tình huống pháp lý mới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp. Các bài tham luận xoay quanh các chủ đề: Tổng quan về địa vị pháp lý của AI và trách nhiệm pháp lý dân sự liên quan đến AI; Trách nhiệm pháp lý liên quan đến AI trong một số lĩnh vực kinh doanh; Trách nhiệm pháp lý liên quan đến AI về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu; AI và quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, trách nhiệm pháp lý là một vấn đề rất quan trọng và cần có quy định cụ thể. Hiện nay, pháp luật Việt Nam nói riêng và pháp luật các nước nói chung đang phải đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ liên quan đến trách nhiệm pháp lý phát sinh từ ứng dụng AI. Các câu hỏi lớn được đặt ra là robot được lập trình để tự tư duy và hoàn thiện (quá trình máy móc học hỏi và tự hoàn thiện trong quá trình hoạt động) và thực hiện các hoạt động khác nhau thay con người trong đời sống xã hội nhưng lại không thể là chủ thể pháp pháp luật để chịu trách nhiệm pháp lý? Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi của AI gây ra, đặc trong bối cảnh người sử dụng AI thực tế không thực hiện bất kỳ hành vi nào? Liệu nhà sản xuất ra các thiết bị ứng dụng AI có phải chịu trách nhiệm pháp lý do sản phẩm mình chế tạo ra (nếu có thì như thế nào và ở mức độ nào?)... Tất cả những vấn đề này hoàn toàn chưa được quy định trong hệ thống pháp luật quốc gia. Trong khi đó, sự thiếu vắng các quy định pháp luật điều chỉnh đã khiến cho các hoạt động liên quan đến AI gặp khó khăn và dễ xảy ra nhiều bất cập.
Việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế, chuẩn đoán và điều trị bệnh tật thật sự đã dần được áp ụng rộng rãi nhờ vào những cải tiến khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, thiệt hại gây ra cho người bệnh do nhân viên y tế sử dụng AI làm công cụ hỗ trợ dẫn đến chuẩn đoán sai và do nhân viên y tế sử dụng AI bị lỗi có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý hoàn toàn khác nhau. Hay ở một ví dụ khác là các phương tiện cơ giới có chức năng tự động hỗ trợ tự lái cũng đáng lưu tâm. Trong trường hợp một chiếc xe tự lái di chuyển trên đường giao thông công cộng gây ra tai nạn, khung pháp lý về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với loại phương tiện này cần được xây dựng riêng biệt so với những chiếc xe thông thường khác. Bên cạnh đó, một hệ thống AI thay thế người lái xe trong các tác vụng lái xe chủ động cần được nhà sản xuất thiết kế, xây dựng một cách thật sự cẩn trọng. Ở một khía cạnh khác, cần lưu ý là AI không thể hoạt động nếu không có dữ liệu. Vì vậy việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư vẫn là vấn đề cần được quan tâm đúng mức trong tình huống của các ứng dụng AI.