Hướng đến đa dạng đối tượng dự thi, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2021 mang đến cơ hội và tạo đà cho chị em phụ nữ mọi vùng miền, đối tượng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, chứng minh năng lực và vai trò của mình.
Thí sinh tham dự cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2020 thuyết trình trước ban giám khảo.
"Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm sáng tạo OCOP" là chủ đề cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động. Cuộc thi mang đến cơ hội và tạo đà cho chị em phụ nữ mọi vùng miền, đối tượng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, chứng minh năng lực và vai trò của mình.
Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 939/QĐ-TTg về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Kể từ khi ban hành đến nay, đề án đã góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thực hiện bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực.
Được chính thức phát động từ trung tuần tháng 2/2021, Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 tiếp tục mang đến một sân chơi để chị em phụ nữ khẳng định bản lĩnh và khả năng của mình. Khép lại hạn nhận hồ sơ vào 17h ngày 15/4, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã nhận được 1.255 hồ sơ dự thi qua hình thức online; 297 hồ sơ/ ý tưởng bản cứng từ phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Tổng số lượng tính đến 15/04 là 1.552 hồ sơ dự thi cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021.
Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức hàng năm đã tiếp sức cho chị em các vùng miền tự tin khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp
Nội dung của cuộc thi áp dụng trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm/dịch vụ mới, hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của cộng đồng, góp phần tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Đối tượng tham gia dự thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 là:
- Phụ nữ tham gia quản lý/làm chủ các doanh nghiệp/hợp tác xã;
- Nam giới tham gia quản lý/làm chủ các doanh nghiệp/hợp tác xã có ít nhất 50% lao động là phụ nữ yếu thế hoặc sản xuất sản phẩm/dịch vụ phục vụ cho phụ nữ yếu thế.
- Phụ nữ tham gia mô hình giảm nghèo có ít nhất 2/3 thành viên thuộc hộ nghèo tại địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn;
- Phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng có dự án/ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh;
- Phụ nữ là thành viên của Tổ chức Tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tình thương (TYM) có dự án/ý tưởng khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh.
Trong tháng 5 và tháng 6/2021, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tổ chức tập huấn cho Đại diện các Dự án, ý tưởng dự thi đã vượt qua vòng sơ loại.
Nguồn: TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam