Theo UNEP (Chương trình môi trường của Liên hợp quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”.

Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Ngày 7/6/2024, Văn phòng JETRO Hà Nội phối hợp với Ủy ban Dịch vụ Thông tin Doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã tổ chức sự kiện “Japan Business Pitch Vol.1”. Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã giới thiệu các hoạt động kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới với mong muốn kết nối, hợp tác cùng các đối tác Việt Nam.

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật BẢn (JETRO), về những thách thức và mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam, cũng như cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, cho biết: Trước tiên, chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường sự hiện diện hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Để nhắm tới mục tiêu tăng cường tương tác kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, là mong muốn mở rộng nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự tương tác, kết nối B2B trong nước.

Hiện nay, còn tồn tại ba yếu tố cơ bản cần đáp ứng trong sản xuất là chất lượng, số lượng và thời gian của đơn hàng. Về chất lượng, khi phía Nhật Bản yêu cầu một mức độ chất lượng sản phẩm cụ thể, các công ty Việt Nam đã và đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách này nhưng vẫn còn một khoảng cách nhỏ giữa cung và cầu. Còn số lượng, một số công ty Việt Nam có thể sản xuất ra sản phẩm rất tốt trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi cần duy trì chất lượng sản phẩm trong thời gian dài, chất lượng có thể bị giảm sút. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc đặt hàng. Điều này đòi hỏi sự đổi mới và cải tiến liên tục từ phía các công ty.

Để kết nối giao thương, tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, trên mọi lĩnh vực, JETRO sẽ triển khai nhiều hoạt động tương tác dưới các hình thức khác nhau để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế xanh dưới nhiều hình thức như ứng dụng công nghệ để tiết kiệm năng lượng, hay tái chế năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm tiêu thụ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi tin rằng các công ty Nhật Bản có công nghệ, có mô hình kinh doanh và dịch vụ tốt trong lĩnh vực này, bởi vì Nhật Bản đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và các vấn đề môi trường nghiêm trọng trong những năm 1970 và 1980.

Bên cạnh đó muốn giới thiệu các chất liệu, vật liệu thân thiện với môi trường vào thị trường Việt Nam. Cần các công ty Việt Nam hợp tác để áp dụng công nghệ, sản phẩm vào thị trường. Hiện nay, nhìn chung giá thành sản phẩm vẫn còn khá cao do nhiều vấn đề như chi phí kinh doanh, vận chuyển…. Các công ty Nhật Bản muốn giảm chi phí và muốn đưa sản phẩm vào Việt Nam, mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để tìm cách giảm giá thành, đưa dịch vụ của mình vào thị trường. 

Nguồn :từ trang web:vista.gov.vn.của cục thông tin KH&CN quốc gia