Các tỉnh Tây Nguyên có nhiều lợi thế để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao được coi là con đường phát triển đúng đắn, bền vững của nông nghiệp Tây Nguyên.

 

Với một cách nhìn tổng thể thì Tây Nguyên có một quỹ đất rất lớn và chất lượng rất tốt, có điều kiện sinh thái và lượng mưa lớn, khí hậu ôn hòa. Đây là những điều kiện tiên quyết để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt và lâu dài cần đầu tư những giải pháp để khai thác tiềm năng tổng hợp. Đó là đào tạo về nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện nay là nông nghiệp hiện đại, bền vững, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Đầu tư mạnh về chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng các giải pháp về nông nghiệp thông minh. Muốn như vậy thì phải tiếp nhận, tiếp thu những sản phẩm về phần cứng cùng giải pháp phần mềm để đồng bộ về nông nghiệp.

Chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Coi trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực "Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa; nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó cần tập trung vào khoa học và công nghệ, nghiên cứu biện pháp sinh học tạo ra giống cây trồng, vật nuôi thích ứng điều kiện mới, phòng chống sâu bệnh tốt, thích ứng biến đổi khí hậu để tạo ra nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặc biệt cần chú ý phát triển những giống đặc sản, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Phân bổ, quy hoạch vùng, xác định cây trồng, vật nuôi ưu tiên, khai thác đất đồi núi trọc để đa dạng chuyên canh nhưng toàn vùng lại đa dạng.

Ngoài ra, đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp theo nhiều hình thức. Xây dựng, quảng bá để Tây Nguyên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế, kích thích sản xuất-kinh doanh nông sản phát triển; gắn kết gần hơn giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Kết nối hành lang đa dạng sinh học với các vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; cùng các vùng kết nối chia sẻ thông tin sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh quy mô, diện tích sản xuất phục vụ chế biến, tiêu dùng, giảm rủi do. Xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường không kết nối nội vùng và với các vùng khác.

Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cấp, cải tạo hồ chứa và hệ thống kênh mương dẫn nước tưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi và chế biến nông sản. Có như thế thì nông nghiệp Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, mới nâng cao được năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.