Chiều ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phối hợp tổ chức Lễ công bố sáng kiến và khởi động Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018 - Viet Nam Innovation Network. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự buổi Lễ công bố.
Tham dự Lễ công bố có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đồng chí Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.
Chương trình còn có sự tham dự của 100 chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực KH&CN ở nước ngoài và các nhà khoa học trong nước để cùng chia sẻ tầm nhìn, chiến lược nhằm tiếp cận, tận dụng những kết quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đối với Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ ngành liên quan thực hiện nghi thức khởi động Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018.
KH&CN, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thành công
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong buổi gặp gỡ các bạn trẻ tài năng, trí tuệ sáng 19/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá rất cao việc trở về của các bạn trẻ tiêu biểu cho các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0 đang bùng nổ và trở thành cơ hội lớn, ngàn năm có một đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, “để chuyển đổi nền kinh tế đột phá phát triển, thu hẹp khoảng cách, tránh tụt hậu, KH,CN và ĐMST thực sự trở thành chìa khóa, là con đường ngắn nhất để bước vào kỷ nguyên phát triển nhanh và bền vững. Bất kỳ quốc gia nào chậm chân trên con đường này chắc chắn không thể thành công”. Ông cho biết, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các Bộ và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, trong đó xây dựng các Trung tâm đổi mới sáng tạo và huy động lực lượng nhân tài tri thức trong lĩnh vực KH&CN làm nòng cốt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ công bố.
Cảm động và vui mừng trước sự góp mặt của hơn 100 trí thức trẻ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Cuộc CMCN 4.0 là một thời cơ và chúng ta phải nắm bắt. Chúng ta nhắc nhiều đến công nghệ, những ngành khoa học đang thịnh vượng như AI, BigData... Nhưng quan trọng nhất, chúng ta phải nắm lấy tay nhau để truyền khát vọng đất nước này vươn lên, củng cố niềm tin, cho nhau động lực không chỉ lúc thành công mà cả khi thất bại và kiên trì đi đến cuối con đường. Để một ngày nào đó chúng ta có thể tự hào đã không bỏ lỡ cơ hội".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng không quên nhắn nhủ tới các nhà khoa học trong và ngoài nước: “Điều quan trọng nhất là hãy coi mình là người trong cuộc. Các nhà khoa học trong nước cần có khát vọng, lòng tin và hãy là người trong cuộc”.
Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước qua nhiều thời kỳ và chỉ đạo các bộ, ngành cần năng động sáng tạo đề xuất cơ chế chính sách cụ thể để thu hút nhân tài. Ông kỳ vọng, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là diễn đàn thu hút và kết nối các tri thức khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước. Đồng thời thúc đẩy hợp tác trong cộng đồng KH&CN Việt Nam để nâng cao năng lực KH&CN, nâng cao chất lượng nghiên cứu đào tạo trong nước, khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ về Việt Nam để khởi nghiệp, sáng tạo đầu tư kinh doanh chia sẻ hưởng thụ thành quả và những giá trị cốt lõi của Việt Nam. "Việc thành lập mạng lưới là một bước quan trọng để tiếp tục xây dựng mạng lưới nhân lực quốc gia, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 theo chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và theo mong muốn nguyện vọng cúa các nhà khoa học, trí thức", Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Nhiều đề xuất từ các nhà khoa học
Tại buổi Lễ, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có những chia sẻ về những mối quan tâm và nêu các kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo.
Các nhà khoa học tham dự buổi đối thoại Kết nối cộng đồng KH&CN.
PGS.TS Hồ Anh Văn, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu về robot mềm, Viện Khoa học và Kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản cho rằng, để kết nối tri thức trong và ngoài nước cần sử dụng công thức về năng lực, nhiệt huyết và cách nghĩ. Theo đó, cả 3 yếu tố này phải đạt được cùng lúc mới thành công. PGS.TS Hồ Anh Văn đề xuất: "Công thức thành công về Mạng lưới đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chính là phép nhân của sự thành công của trí thức trong nước, Chính phủ và trí thức ngoài nước. Đối với trí thức ngoài nước đó là nhiệt huyết đóng góp vào sự phát triển KH&CN đối với đất nước. Trí thức trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp đó là sự đón nhận và khả năng đón nhận sẵn sàng hợp tác. Quan trọng hơn, Chính phủ có vai trò là cầu nối hiệu quả, lâu dài bằng cách tạo ra các chính sách cụ thể trong môi trường KH&CN minh bạch, tự do học thuật, cạnh tranh đầu tư và thúc đẩy hợp tác".
TS Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho hay, ngành AI thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. “Theo tôi, nên tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI”, TS. Bùi Hải Hưng kiến nghị. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây.
Trong cuộc tọa đàm giữa các nhà khoa học, khi nói về việc kiến tạo những giá trị chung trong phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo, 6 diễn giả mỗi người đã lựa chọn một từ ngữ rất ngắn gọn nhưng đầy hàm ý: “canh tác” (hàm ý giống như quá trình gieo hạt giống và thu hoạch, cần quá trình chứ không chỉ một lần); “tin tưởng”; “ấn tượng”; “đến cùng”, “yêu” (tình yêu mãnh liệt cho quê hương, đất nước” và từ “tiềm lực”.
Con người với tư duy sáng tạo sẽ quyết định sự thành bại của một quốc gia
Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh chia sẻ, chúng ta đang chứng kiến các bước tiến như vũ bão của KH&CN trong thời đại CMCN 4.0, nhưng, không phải công nghệ mà chính là vốn con người với tư duy sáng tạo và tài năng sẽ quyết định sự thành bại của một quốc gia trong cuộc đua phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và đất nước. Việt Nam cần dựa vào nhân tố con người như một lợi thế cạnh tranh quốc gia để thúc đẩy tốc độ, chất lượng tăng trưởng.
“Chúng ta cần các nhà khoa học, chuyên gia, các CEO giỏi, tài năng trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc, điều hành trong tổ chức KH&CN, doanh nghiệp; cần các nhà quản lý và hoạch định chính sách giỏi làm việc trong các cơ quan trong và ngoài nhà nước. Chúng ta cần phát triển nguồn vốn trí tuệ, tài năng trong mọi lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế - xã hội, sao cho đủ năng lực tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần tốt đẹp cho người dân và đất nước. Việt Nam có một nguồn lực vô cùng quý báu và đầy tiềm năng đó là lực lượng các nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài”, Bộ trưởng khẳng định.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách hướng tới hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức cả nước. Và mới đây nhất, theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII về xây dựng chiến lược thu hút và trọng dụng phát triển nhân tài. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về KH, CN và đổi mới sáng tạo đã chủ động phối hợp, chung tay cùng các Bộ, ban, ngành liên quan tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách để kết nối, thu hút trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài như: Chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; chính sách thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; chính sách thu hút chuyên gia giỏi Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các dự án trong nước. Bộ KH&CN đã thí điểm với Dự án FIRST và đã thu hút 99 chuyên gia ở nước ngoài trong đó có 33 chuyên gia là người Việt ở nước ngoài tham gia Dự án FIRST; phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; thành lập và phát triển mạng lưới cơ quan đại diện KH&CN ở nước ngoài; thành lập một số tổ chức KH&CN hoạt động với cơ chế, chính sách hoạt động đặc biệt như Viện KH&CN Việt Nam-Hàn Quốc, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán... Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình, diễn đàn, hoạt động liên kết, để từng bước cụ thể hóa những chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hai năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo tạo toàn cầu Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế, trong đó nổi bật là 2 chỉ số: Phần chi R&D do doanh nghiệp trang trải và Phần chi R&D do doanh nghiệp thực hiện tăng… Các doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển. Đã có sự dịch chuyển về cơ chế chính sách trong thời gian gần đây, đó là doanh nghiệp Việt Nam được coi là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là những chính sách, nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước và là môi trường thuận lợi để đón nhận sự đồng hành, cống hiến của các nhà khoa học, các chuyên gia tham gia xây dựng đất nước.
Theo Bộ trưởng, việc triển khai Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam là một trong các giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Việc tạo lập được một mạng lưới đổi mới sáng tạo để kết nối nguồn lực trí tuệ của các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài đòi hỏi sự kiên nhẫn chiến lược, sự thấu hiểu, chia sẻ và nỗ lực đóng góp chân thành từ các tài năng trẻ nói riêng và cả cộng đồng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KH&CN nói chung. “Trong trách nhiệm đó, với sự có mặt của các bạn ở khắp nơi trên toàn thế giới, chúng tôi nhìn thấy công thức để thành công như PGS Hồ Anh Văn – Nhật Bản đã nêu, với trách nhiệm của mình, Bộ KH&CN sẽ cùng các cơ quan liên quan xác định những giải pháp, nhiệm vụ và dự án KH&CN cụ thể với phương châm “tư duy toàn cầu, hoạt động địa phương”, với yêu cầu đáp ứng xu thế của cuộc CMCN 4.0 trong việc áp dụng các công nghệ AI, IoT, Blockchain,… để áp dụng nhanh các giải pháp, thành tựu công nghệ vào những ngành kinh tế có lợi thế như Fintech, nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi sản xuất hàng hóa thông Minh”, Bộ trưởng chia sẻ.