Sáng 22.8 tại Hà Nội, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 đã khai mạc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 600 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị
Hội Nữ trí thức Việt Nam có 6 đại biểu tham dự Hội nghị, trong đó có 3 nhà khoa học nữ vừa nhận giải thưởng tại Triển lãm quốc tế về sáng chế của phụ nữ năm 2024 (KIWIE-2024).
Trước thềm Hội nghị, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có dịp gặp gỡ, làm việc với 2 đoàn đại biểu là các trí thức Việt Nam ở Malaysia và Nhật về dự Hội nghị. Tại các cuộc làm việc này, các nữ trí thức Việt Nam ở nước ngoài mong muốn là “cánh tay nối dài” của Hội Nữ trí thức Việt Nam trong việc quảng bá các kết quả nghiên cứu đã được thương mại hóa của các nhà khoa học nữ Việt Nam đến với người tiêu dùng thế giới; trao đổi hợp tác về kinh nghiệm và tìm kiếm nguồn đầu tư cho việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, qua 3 lần tổ chức (năm 2009, 2012, 2016), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu người Việt Nam ta ở nước ngoài.
Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài". Diễn đàn là cơ hội để các chuyên gia, trí thức kiều bào trao đổi về những xu thế phát triển trên thế giới và khu vực; hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo…
Phát biểu về những nguyện vọng, kiến nghị của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu, đề xuất, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai. Ông Hoàng Đình Thắng cũng đề nghị, thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài…
Phát biểu tại Phiên Khai mạc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào tại Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên kiều bào về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước. Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox (cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép). Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị cần tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt cho những dự án hạ tầng dữ liệu quốc gia, phát triển AI, bán dẫn, thúc đẩy các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ; có chính sách khuyến khích kiều bào tham gia phát triển du lịch và đầu tư bán lẻ du lịch...
Đoàn đại biểu nữ trí thức Việt Nam |
Chiều 22/8, Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài với 4 phiên chuyên đề diễn ra song song tại 4 hội trường: Kiều bào và sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam; Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước ; Đại Đoàn kết dân tộc, Công tác hội đoàn Vai trò của thế hệ trẻ kiều bào ; Kiều bào - Sứ giả văn hoá và ngôn ngữ Việt.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam phụ trách đối ngoại dự Phiên chuyên đề 3 |