Ngũ vị tử là vị thuốc được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Vị thuốc Ngũ vị tử là quả chín đã được làm khô, thu hái từ một số loài thuộc chi Ngũ vị tử (Schisandra), họ Ngũ vị tử (Schisandracee). Ở Việt Nam, cho đến năm 2003 đã biết chi Schisandra có 5 loài, trong đó có 3 loài cho quả làm thuốc (Schisandra chinensis, Schisandra Grandiflora và Schi. Profinqua) (Nguyễn Tiến Bân, 2003). Tuy nhiên Ngũ vị tử dụng làm thuốc ở Việt Nam từ trước đến nay đều do nhập khẩu từ Trung Quốc. Được biết, dược liệu Ngũ vị tử ở Trung Quốc là do trồng trọt, loài Ngũ vị tử Bắc (Schi. Chinensis) (Đỗ Tất Lợi,..), trong khi đó loài này có mọc tự nhiên ở Lai Châu và Lào Cai (Nguyễn Tiến Bân, 2003), nhưng Việt Nam chưa đưa vào phát triển trồng.

Trong quá trình làm công tác điều tra, nghiên cứu cây thuốc ở Tây Nguyên, Viện Dược liệu có phát hiện ở vùng núi Ngọc Linh một loài Ngũ vị tử. Tìm hiểu thông tin ở địa phương cho thấy quả của loài Ngũ vị tử này cũng được sử dụng làm thuốc. Hơn nữa qua kết quả nghiên cứu được hoặc đã chứng minh bước đầu về tác dụng bảo vệ gan của cây thuốc này. Xuất phát từ những thông tin trên, tỉnh Kon Tum đã từng đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển cây thuốc này tại vùng núi Ngọc Linh (Nguyễn Bá Hoạt, et al; 2003-2005 và Trần Thị Liên, 2012).

Tuy nhiên cây Ngũ vị tử ở Ngọc Linh chỉ được biết đến là loài mới đối với Việt Nam là Schisandra sphenanthera Rehd. et Wils., trong một công bố vào cuối năm 2006 của nhóm tác giả, trên tạp chí dược liệu số 6 (11); 209-211 (Nguyễn Thế Cường, Vũ Xuân Phương, Nguyễn Bá Hoạt, 2006). Do phạm vi phân bố hạn chế, trữ lượng tự nhiên không đáng kể và còn bị thu hẹp phân bố do nạn phá rừng xung quanh núi Ngọc Linh nên loài Ngũ vị tử Nam (Schisandra sphenanthera) đã được đưa vào Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam 2006, với cấp phân hạng được đánh giá là “Đang bị nguy cấp ở Việt Nam” EN. B2 a, b (ii, iii, v) – theo tiêu chuẩn đánh giá của UICN, 2001), nhằm khuyến cáo bảo tồn (Nguyễn Tập, 2006, 2007). Chính vì tình trạng quý hiếm, lại có nhu cầu sử dụng cao, nên Ngũ vị tử Ngọc Linh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Dược liệu thực hiện nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen Ngũ vị tử (Schisandra sphenanthera Rehd. et Wils.) tại Ngọc Linh tạo nguyên liệu làm thuốc” là cơ sở để xây dựng và phát triển vùng trồng dược liệu Ngũ vị tử tại khu vực miền núi, vùng rừng sau khai thác cây lâm nghiệp góp phần chống xói mòn đất, giảm lũ quét đồng thời tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân các huyện thuộc dãy Ngọc Linh.

Nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Viện Dược liệu cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Xuân Trường thực hiện đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen ngũ vị tử (Schisandra Sphenanthera Rehd.Et wills) tại Ngọc Linh tạo nguyên liệu làm thuốc” với mục tiêu: Khai thác và phát triển được nguồn gen Ngũ vị tử của Việt Nam tại Ngọc Linh tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc, giảm dần việc nhập khẩu Ngũ vị tử của Trung Quốc.

Nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen Ngũ vị tử (Schisandra sphenanthera Rehd. et Wils.) tại Ngọc Linh tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc” được thực hiện trong thời gian từ năm 2014 - 2018 với các nội dung từ đánh giá đặc điểm và giá trị của nguồn gen, xây dựng quy trình chọn lọc, xây dựng vườn giống gốc, các phương pháp nhân giống, xây dựng vườn nhân giống, chuẩn bị cây giống trồng đại trà; xây dựng quy trình trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản; xây dựng mô hình trồng dưới tán rừng và mô hình trồng thâm canh Ngũ vị tử. Trong thời gian thực hiện, nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh đã đăng ký và đảm bảo đúng tiến độ cụ thể như sau:

1. Đã tiến hành nghiên cứu về đặc điểm nông sinh học của nguồn gen Ngũ vị tử Ngọc Linh. Ngũ vị tử Ngọc Linh có dạng cây leo thân gỗ, cây sống nhiều năm. Thân non hình tròn hơi dẹt, bề mặt thân nhẵn. Lá đơn, mọc cách. Phiến lá hình trứng, gốc lá tròn, chóp lá nhọn và kéo dài, mép lá thường có răng cưa nông và thưa. Ngũ vị tử Ngọc Linh phân bố ở độ cao khoảng từ 1.100m đến 1.200m trên dãy Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Ngũ vị tử là cây ưa ẩm, trong điều kiện có nhiều ánh sáng, phát triển dưới tán rừng có độ che phủ từ 30- 50%.

2. Đã tổng hợp các nghiên cứu về tác dụng sinh học và ứng dụng của nguồn gen Ngũ vị tử Ngọc Linh làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo.

3. Đã nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn đã chọn lọc được giống Ngũ vị tử và đã nộp hồ sơ bảo hộ với tên gọi là Ngũ vị tử VDL-05/2017. Đã xây dựng vườn giống gốc 1.000 m2 trong đó có 200 cây đầu dòng

4. Đã nghiên cứu xây dựng được quy trình nhân giống vô tính từ hom thân và quy trình nhân giống hữu tính từ hạt cho nguồn gen Ngũ vị tử Ngọc Linh. Xây dựng được tiêu chuẩn cây giống Ngũ vị tử xuất vườn. Xây dựng vườn ươm giống cho nguồn gen Ngũ vị tử Ngọc Linh. Vườn ươm giống 4.000 m2, sản xuất được 30.000 cây giống phục vụ cho nghiên cứu và xây dựng mô hình trồng Ngũ vị tử dưới tán rừng và mô hình trồng thâm canh Ngũ vị tử

5. Đã nghiên cứu xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng trọt, thu hoạch, sơ chế và bảo dược liệu Ngũ vị tử tuân thủ hướng dẫn GACP-WHO, bao gồm quy trình kỹ thuật trồng dưới tán rừng, quy trình kỹ thuật trồng thâm canh và quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu Ngũ vị tử.

6. Khi nghiên cứu thành phần hóa học, phân lập chất chính từ dược liệu làm chất đánh dấu: Bằng các phương pháp sắc ký đã phân lập được hai hợp chất lignan từ cắn phân đoạn dichloromethan quả của cây Ngũ vị tử Ngọc Linh (Schisandra sphenanthera Rehder. et Wils.) thu hái tại vùng núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum. Các hợp chất phân lập được đều đạt độ tinh khiết trên 90% (kiểm tra bằng phương pháp HPLC, tính theo phần trăm diện tích píc). Dựa vào dữ kiện phổ và so sánh với những tài liệu đã công bố, các hợp chất này được xác định là schisandrin và gomisin B. Đây là hai chất chính chiếm hàm lượng lớn trong dược liệu sẽ được sử dụng làm marker phục vụ công tác xây dựng phương pháp kiểm nghiệm dược liệu. Dược điển Trung Quốc và Hong Kong, chuyên luận NVT Schisandrae Sphenantherae Fructus, 02 chất đánh dấu chính được sử dụng để kiểm soát chất lượng dược liệu này là schisandrin A và schisantherin A (những thành phần này không có hoặc rất ít trong NVT Ngọc Linh). Như vậy, thành phần hóa học cùng loài Schisandrae Sphenantherae trồng tại Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt.

7. Đã xây dựng mô hình trồng Ngũ vị tử dưới tán rừng, diện tích 2ha, năng suất dược liệu 1,715 tấn/ha. Mô hình trồng thâm canh Ngũ vị tử, diện tích 1 ha, năng suất dược liệu 2,961 tấn/ha. Dược liệu đạt tiêu chuẩn cơ sở ban hành. Hàm lượng schisandrin > 0,2%, dược liệu không nhiễm khuẩn và hàm lượng kim loại nặng trong giới hạn cho phép. Đã đánh giá được hiệu quả của mô hình trồng Ngũ vị tử, cho thấy đây là cây dược liệu có khả năng thích ứng với điều kiện tại xã Măng Cành, huyện KonPlông, tỉnh Kon Tum. Cây cho hiệu quả kinh tế cao > 200 triệu/ha/năm, đồng thời trồng Ngũ vị tử góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tận dụng quỹ đất dư thừa, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân. Mô hình thực hiện thành công theo GACP-WHO là khởi điểm để xây dựng vùng nguyên liệu Ngũ vị tử cho cho ngành dược và công nghiệp hóa mỹ phẩm.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16451/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Đ.T.V (NASATI)