252 bằng sáng chế được bác sĩ Phạm Thị Kim Loan bảo hộ thành công tại 60 quốc gia trên thế giới và vùng lãnh thổ với các sản phẩm gối cổ, gối lưng, đệm thiền, ghế…

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, sau đó, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan theo học tiếp chuyên ngành Cấp cứu đa ngành của Pháp. Khi đang giữ chức vụ trưởng khoa cấp cứu của một bệnh viện công lập, bác sĩ Loan quyết định rẽ hướng sang nghiên cứu về những tác động của tư thế và thói quen hàng ngày lên cột sống, cơ xương khớp của con người. Từ đó, những sáng chế là các vật dụng phục vụ con người trong sinh hoạt hàng ngày nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh cột sống lần lượt ra đời.

Giải bài toán về cột sống

Ý tưởng tạo ra ghế sáng chế của bác sĩ Loan được nhen nhóm từ những công trình nghiên cứu của Mỹ về ảnh hưởng của tư thế ngồi lên cột sống của con người. Theo đó, tư thế ngồi tốt nhất là phải đảm bảo cấu trúc xương chậu, cột sống luôn giữ mông và lưng áp sát lưng ghế, xương chậu luôn được giữ trong tư thế thẳng đứng, cân bằng không nghiêng lệch.

hinh-1-nha-sang-che-pham-thi-kim-loan-cung-cac-bang-sang-che-da-duoc-cap.png
Nhà sáng chế Phạm Thị Kim Loan cùng các bằng sáng chế đã được cấp.

Tuy nhiên, do chúng ta thường có thói quen ngồi chồm ra trước, cộng thêm thiết kế các loại ghế hiện nay đều có mặt ngồi phẳng, ảnh hưởng đến tư thế ngồi, làm xương chậu bị đổ nghiêng, cột sống hình chữ S bị uốn cong thành hình chữ C, gây biến dạng cột sống và thoát vị đĩa đệm.

Từ những vấn đề trên, bác sĩ Loan đã nghiên cứu và phát triển ra các sản phẩm đặc biệt về thiết kế và vật liệu giúp tối ưu cho cột sống khi ngồi. Chẳng hạn, bác sĩ Loan và các cộng sự đã tạo ra ghế nhựa N85 với mặt ghế "lồi trước, lõm sau". Vùng lõm ở sau mặt ghế có tác dụng ôm chặt xương chậu xương cùng xương sống ra phía sau, áp sát lưng ghế. Khối lồi phía trước mặt ghế có tác dụng chặn lại, ngăn xương chậu trượt đổ trên mặt ghế, giúp cho xương chậu luôn cân đối và thẳng khi ngồi, bảo đảm cấu trúc xương chậu và xương sống ở hình dạng chuẩn, ngăn chặn bệnh cột sống - đó là những khác biệt so với các loại ghế thông thường.

Ngoài ra, ghế nhựa N85 được sản xuất từ vật liệu siêu bền chắc, chịu được sức ép lên tới 300 kg, có thể tự điều chỉnh khung xương chậu, xương sống về vị trí tốt nhất, khác biệt hoàn toàn với hầu hết ghế trên thị trường.

Đặc biệt, người dùng có thể lắp 4 chân ghế vào mặt ghế N85 để ngồi làm việc, học tập, sinh hoạt, hoặc tháo chân ghế ra để sử dụng cho nhiều mục đích, như ngồi thiền dưới đất, làm ghế chờ nơi công cộng, ráp vào các khung chân ghế nhà hát, sân vận động,…

Đánh giá về sáng chế trên, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM cho biết, các sáng chế như ghế nhựa N85 không chỉ là kết quả của sự nghiên cứu sâu rộng mà còn là sự kết hợp giữa kiến thức y học và công nghệ tiên tiến. Với thiết kế đặc biệt nhằm bảo vệ cột sống và cơ xương khớp, đây là một ví dụ tiêu biểu cho việc áp dụng lý thuyết khoa học vào thực tiễn. Sự sáng tạo trong thiết kế mặt ghế "lồi trước, lõm sau" là một bước tiến lớn, giúp cải thiện đáng kể tư thế ngồi và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến cột sống.

Khó khăn khi là người tiên phong

Tính đến nay, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan đã có 252 văn bằng, trong đó 246 văn bằng sáng chế và 6 văn bằng giải pháp hữu ích trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, 37 nước châu Âu, Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn độ, UAE,...

Theo bác sĩ Loan, thách thức lớn trong sáng chế là phải trở thành người đi tiên phong và được người tiêu dùng đón nhận. Bởi lẽ, sáng chế được định nghĩa phải có tính mới, chưa bao giờ có, đi trước thời đại. Khi một sản phẩm sáng chế ra đời, người tiêu dùngthường so sánh với những sản phẩm thông thường.

"Ví dụ với ghế nhựa N85, đây không đơn thuần là một chiếc ghế, một cái gối mà phải hiểu đó là giải pháp bao gồm khả năng tự điều chỉnh, tự ngăn chặn phát sinh hoặc tái phát bệnh cột sống do sinh hoạt hàng ngày", bác sĩ Loan chia sẻ.

hinh-2-ghe-sang-che-co-thiet-ke-mat-ghe-loi-o-phia-truoc-lom-o-phia-sau.jpg
Ghế sáng chế có thiết kế mặt ghế lồi ở phía trước, lõm ở phía sau.

Một sản phẩm sáng chế sẽ tạo ra xu thế mới với công nghệ mới, đem lại sự phát triển cho đời sống xã hội, đặc biệt nếu là sản phẩm bảo vệ sức khoẻ thì có thể ảnh hưởng đến con người trên toàn cầu. Chi phí hay giá thành của một sản phẩm sáng chế dù cao hơn sản phẩm thông thường nhưng lợi ích đem lại cho con người thì khó có thể so sánh. Giá thành của sản phẩm sáng chế không chỉ là chi phí sản xuất và các chi phí thông thường mà còn là chi phí cho hoạt động R&D và chi phí bảo hộ cao.

Bác sĩ Loan cũng trăn trở, các công nghệ đổi mới sáng tạo đều ẩn chứa nhiều rủi ro trong quá trình phát triển cũng như thương mại hóa. Sáng chế tạo nên thị trường mới nên việc đầu tư nghiên cứu sản phẩm, sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi chưa có quy trình. Có rất nhiều sáng chế mãi mãi chỉ là sáng chế khi không đưa vào sản xuất, hoặc sớm lại lụi tàn vì không cạnh tranh được.

Sau khi ra thị trường, các sản phẩm còn gặp thách thức khác là vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là thực trạng hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, trong cách nhìn lạc quan, bác sĩ Loan cho rằng một sản phẩm có hàng giả chứng tỏ sản phẩm có hiệu quả. Do đó, thay vì lo lắng về hàng giả, đội ngũ tập trung vào đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm và tối ưu chi phí.

"Trong nhiều năm qua, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan đã có những đóng góp nổi bật vào hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Các sáng chế của bác sĩ Loan không chỉ góp phần làm phong phú thêm danh mục sáng chế của Việt Nam mà còn khuyến khích các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế tiếp tục nghiên cứu và đổi mới…”, ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM.