Nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu đã giảm 17% so với năm 2019 trong thời gian đỉnh của đại dịch Covid-19 vào đầu tháng 4 buộc phần lớn thế giới phải giãn cách.
Nguyên nhân giảm khí thải chủ yếu là kết quả của sự ngừng trệ giao thông và công nghiệp. Đây có thể là một trong những đợt giảm phát thải lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận, các nhà nghiên cứu cho biết. Nhưng kết quả này cũng chỉ tạm thời, với các biện pháp xóa bỏ giãn cách, lượng khí thải toàn cầu hàng ngày ước tính sẽ trở lại gần mức 2019 vào cuối năm nay. Việc giảm khí thải do giãn cách hầu như không không tác động nhiều đến lượng carbon dioxide khổng lồ đang bao trùm bầu khí quyển và làm hành tinh nóng lên. Theo các chuyên gia, mặc dù điều này có khả năng dẫn đến việc cắt giảm lượng khí thải lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nhưng nó không làm giảm đi lượng tích tụ carbon dioxide trong khí quyển.
Các nhà khoa học đã phân tích các biện pháp giãn cách ở 69 quốc gia, chiếm 97% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu. Nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ sáu lĩnh vực kinh tế chính - bao gồm vận tải mặt đất, vận tải hàng không, điện, công nghiệp, công trình công cộng và nhà ở - để ước tính sự thay đổi lượng khí thải hàng ngày từ mỗi ngành trong khoảng từ tháng 1-4/2020, so với mức trung bình năm 2019. Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự sụt giảm lớn nhất về lượng khí thải carbon đến từ lưu lượng xe hơi, xe tải và xe buýt, ước tính chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải. Giảm trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp chiếm tổng cộng thêm 43%. Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Pep Canadell, nói: "Giảm phát thải vào năm 2020 lớn nhất là ở Trung Quốc, nơi người dân bị cách ly đầu tiên, tiếp theo là Mỹ, châu Âu”.
Theo nghiên cứu, Mỹ đã cắt giảm lượng carbon dioxide được khoảng 1/3. Trung Quốc, nước phát thải lớn nhất thế giới, đã giảm ô nhiễm carbon gần một 1/4 vào tháng 2. Ấn Độ và châu Âu cắt giảm phát thải lần lượt 26% và 27%. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, một số quốc gia riêng lẻ đã giảm phát thải hàng ngày lên tới 26%, tuy nhiên, hầu hết các mức giảm đó đã qua đi. Nhóm nghiên cứu ước tính rằng nếu hoạt động kinh tế trở lại mức trước khủng hoảng vào giữa tháng 6, tổng lượng phát thải toàn cầu có thể giảm trung bình 4% vào cuối năm 2020. Nếu vẫn còn một số hạn chế giãn cách nhất định cho đến cuối năm, lượng phát thải trung bình có thể giảm 7% so với năm ngoái. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đối với khí hậu, việc giảm phát thải trong tháng này hoàn toàn không đáng kể. Nếu chúng ta hạn chế sự nóng lên toàn cầu chỉ ở mức 1,5 độ C thì cần phải cắt giảm toàn cầu ít nhất 7% mỗi năm trong 30 năm tới.
Nguồn: P.A.T (NASATI), theo AP, 5/2020