Như được minh chứng thông qua đại dịch COVID-19, nghiên cứu khoa học được sử dụng ngày càng nhiều để giải quyết những thách thức xã hội phức tạp. Các phương pháp tiếp cận theo lĩnh vực hay riêng khoa học, chỉ có thể giải quyết những thách thức này ở mức hạn chế. Trong nhiều tình huống, nghiên cứu xuyên ngành (Transdisciplinary research - TDR), kết hợp các chủ thể và nguồn tri thức khác nhau, là cần thiết. TDR đòi hỏi thêm các kỹ năng và phương pháp, dẫn đến mang lại các kết quả bổ sung cho những kết quả thường được đánh giá cao trong nghiên cứu hàn lâm.
Trong khi nhiều nhà khoa học trẻ được khuyến khích sử dụng các phương pháp TDR và phát triển các giải pháp cho các thách thức xã hội, như các giải pháp được lồng ghép vào các Mục tiêu Phát triển bền vững, nhưng đó không hẳn là lựa chọn nghề nghiệp tốt cho các nhà khoa học mong muốn có chỗ đứng trong các viện hàn lâm. TDR phức tạp, kéo dài và thường được tiến hành trong các nhóm nghiên cứu lớn. Trong khi các kết quả nghiên cứu và bài báo khoa học đều quan trọng trong TDR, thì một loạt các kết quả khác cũng quan trọng không kém, có khi còn quan trọng hơn. Đó có thể là các báo cáo chính sách, tài liệu truyền thông công cộng, mạng lưới nhiều bên liên quan mới và những thay đổi trong thực tế, rõ ràng đều cần phải có để ứng phó với đại dịch hiện nay. Kỹ năng truyền thông và dẫn giảng tốt là cần thiết để thực hiện TDR và trong các dự án quy mô lớn, rất cần có những người điều phối được trang bị những kỹ năng này. Tuy nhiên, kết quả đầu ra của TDR và các kỹ năng này không phải là nội dung thường được mong đợi để liệt kê trong hồ sơ ứng tuyển vào viện hàn lâm. Ngay cả khi những đóng góp của nhà nghiên cứu cho xã hội rõ ràng là xuất sắc, thì rất khó được sự công nhận và hỗ trợ đầy đủ từ các đồng nghiệp cũng như tạo dựng sự nghiệp lâu dài trong các viện hàn lâm.
Phân tích gần đây của OECD, bao gồm 28 nghiên cứu điển hình chuyên sâu, chỉ ra rằng chính phủ, cơ quan tài trợ và các chủ thể khác trong hệ sinh thái nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo chiến lược, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho TDR. Các hành động chính sách cụ thể bao gồm:
• Giới thiệu các mô-đun học tập TDR trong giáo dục khoa học và các khóa đào tạo sau đại học;
• Hỗ trợ các nhà nghiên cứu mới vào nghề tham gia vào các dự án TDR và phát triển các con đường sự nghiệp linh hoạt hơn;
• Cung cấp hỗ trợ cá nhân (như học bổng) cho những cá nhân xuất sắc có thể phát triển và dẫn dắt các dự án TDR;
• Mở rộng tài trợ và/hoặc thúc đẩy hợp tác với các nhà tài trợ khác để hỗ trợ xây dựng năng lực và thu hút sự tham gia của các bên liên quan không thuộc khu vực hàn lâm vào trong các dự án TDR;
• Phân bổ các nguồn lực cốt lõi, bao gồm cả nhân sự, để tích lũy kiến thức chuyên môn lâu dài về các phương pháp và thực hành TDR;
• Thay đổi các quy trình đánh giá và bình duyệt, như thông qua sử dụng các quy trình thẩm định đa ngành và đa bên liên quan; và
• Thay đổi tiêu chí đánh giá và thăng tiến cho các cá nhân tham gia vào TDR để họ được đánh giá không chỉ dựa vào các bài báo và trích dẫn khoa học, mà còn dựa trên sự đóng góp của họ đối với các kết quả nghiên cứu tập thể có giá trị đối với các bên liên quan bên ngoài khoa học.
Để ứng phó với COVID-19, một số cơ quan tài trợ nghiên cứu đã nhanh chóng thực hiện các kế hoạch mới để hỗ trợ nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành, đặc biệt là tập trung vào các khía cạnh tác động đến kinh tế - xã hội của đại dịch. Với tầm nhìn dài hạn, một số quốc gia cũng đang triển khai các hành động chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành. Ví dụ, Chiến lược Nghiên cứu Quốc gia của Pháp giai đoạn 2014-2020 được xây dựng dựa trên một loạt các thách thức xã hội và đang được triển khai bởi rất nhiều chương trình do các ủy ban đa ngành đặc biệt giám sát. Chương trình nghiên cứu quốc gia ở Hà Lan đang được thực hiện nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu tri thức và các đối tác xã hội.
Một số trường đại học cũng đã thực hiện các bước quan trọng để khắc phục những hạn chế theo lĩnh vực và hợp tác chặt chẽ hơn với người dân và các bên liên quan khác. Ví dụ tiêu biểu là trường Đại học Arizona (ASU) với sứ mệnh tổng thể “thúc đẩy nghiên cứu và khám phá giá trị công; và chịu trách nhiệm cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hóa và sức khỏe của các cộng đồng mà nó phục vụ”. ASU được tổ chức theo mô hình gồm 17 trường cao đẳng với hơn 170 trung tâm và viện nghiên cứu đa ngành. Ở quy mô hạn chế hơn, Viện Lão khoa thuộc trường Đại học Tokyo tập hợp các nhà nghiên cứu và sinh viên từ các khoa và trường cao đẳng, cùng với các cán bộ được biệt phái từ các công ty tư nhân và chính quyền địa phương để thúc đẩy nghiên cứu các vấn đề nảy sinh từ xã hội già hóa.
Những ví dụ triển vọng này cần được phổ biến và nhân rộng hơn nữa, nếu khoa học muốn tạo ra tri thức và công nghệ cần để giải quyết cả những thách thức phức tạp hiện nay và gần đây. Đại dịch COVID-19 đưa ra lời cảnh báo kịp thời về tầm quan trọng của vấn đề này. Các nhà nghiên cứu trẻ cần được khuyến khích làm việc trong các ngành và lĩnh vực, thay vì bị cản trở bởi triển vọng nghề nghiệp khó dự báo.